Chiến lược cách ly Covid-19 của Anh bị hoài nghi

Hệ thống y tế Anh không có sự thay đổi đáng kể nào trong chiến lược cách ly, dù những ca nCoV đầu tiên xuất hiện cách đây 6 tháng.

Ngày 13/2, 83 người Anh rời Bệnh viện Arrowe Park, Wirral sau 14 ngày cách ly sau khi được sơ tán từ Vũ Hán, Trung Quốc về nước cuối tháng 1. Hai tuần là thời gian cách ly đủ để ngăn ngừa Covid-19 lây lan.

Cùng ngày, một nữ y tá tại Brighton được Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) yêu cầu tự cách ly tại nhà do có các triệu chứng Covid-19.

Nữ y tá này đã sửng sốt với cách thức ứng phó của PHE: Cô được yêu cầu đeo khẩu trang và bắt một xe taxi về nhà, tài xế lái chiếc taxi không đeo khẩu trang. PHE cũng không đưa ra chỉ dẫn nào cho cô để ngăn khả năng lây lan Covid-19. Khi nữ y tá gọi vào số 111 của Cơ quan Y tế Anh (NHS), cô đã phải đợi tới 15 giờ để được xét nghiệm.

“Tôi nghĩ họ phải lên sẵn kế hoạch rồi, nhưng trong trường hợp của tôi, tôi biết không có một kế hoạch nào hết”, nữ y tá chia sẻ trên tờ Argus ngày 13/2.

6 tháng sau, chiến lược cách ly người nhiễm Covid-19 ở Anh vẫn không thay đổi nhiều. Những người có những triệu chứng nhẹ và những người từng tiếp xúc với họ được khuyến cáo qua điện thoại rằng sẽ phải tự cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, giới chức y tế không có dữ liệu nào cho thấy những người này có tuân thủ chỉ dẫn cách ly 14 ngày tại nhà hay không. Rất nhiều người thậm chí còn sinh sống với nhiều thành viên khác trong những căn nhà đông người hoặc gia đình nhiều thế hệ. Một số người làm việc tự do, nên quá trình cách ly 14 ngày đồng nghĩa họ không có thu nhập để nuôi gia đình.

covid 19 1

Nhân viên y tế Anh tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 cho một tài xế ở Chessington ngày 3/4. Ảnh: Reuters.

Trong khi Hàn Quốc hay Đức có những biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người phải cách ly, Anh hầu như không làm như vậy. Vì thế, dù Anh rất nỗ lực xét nghiệm và truy vết bệnh nhân Covid-19, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan tràn tại nước này, theo Anthony Costello, giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học London và là một cựu giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tại Hàn Quốc, giới chức đã thiết lập mạng lưới quốc gia dành cho các trung tâm điều trị cộng đồng, nơi những người được xác định dương tính với Covid-19, kể cả có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, có thể đến để cách ly tập trung.

Bệnh nhân tại các trung tâm này sẽ phải khai báo triệu chứng hai lần một ngày thông qua một ứng dụng điện tử và nhân viên y tế cũng tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân theo tần suất trên.

Tại Trung Quốc, những người dương tính với Covid-19 sẽ được điều trị các cơ sở y tế cộng đồng cho đến khi khỏi bệnh. Những người tiếp xúc với họ được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Trong thời gian đó, các nhóm công tác xã hội sẽ thường xuyên thăm hỏi và toàn bộ tiền thuê nhà, chi phí ăn uống của họ đều được chi trả.

Tại Đức, giới chức địa phương đóng vai trò quan trọng đảm bảo người dân tuân thủ yêu cầu cách ly. 400 cơ sở y tế địa phương tại Đức là trụ cột chính góp phần duy trì khả năng ứng phó của hệ thống y tế công quốc gia.

Họ đứng ra tổ chức các nhóm tình nguyện gồm chủ yếu là sinh viên y khoa và bác sĩ được đào tạo bài bản để theo dõi sát sao tình trạng sức khoẻ của những người được cách ly. Nhà nước hỗ trợ chi trả tiền thuê nhà và đảm bảo mọi quyền lợi cho họ.

Trong khi đó, ngoài nỗ lực “theo dõi các ca bệnh phức tạp” khá thành công của các nhóm y tế công tại địa phương vốn đang bị quá tải, Anh không thực thi bất kỳ biện pháp nào như các nước trên.

Thay vào đó, các bộ trưởng tại Anh quan tâm nhiều hơn đến việc công kích cá nhân vì bất đồng liên quan đến lệnh phong toả và các biện pháp cách ly, theo giáo sư Costello. Chính quyền địa phương bị gạt sang một bên trong chiến lược cách ly. Ý kiến của các bác sĩ đa khoa bị phớt lờ và hầu hết các tình nguyện viên không được huy động chống dịch.

Thành phố Sheffield đã chứng tỏ họ có khả năng đào tạo cho các tình nguyện viên chưa có kinh nghiệm có thể đảm nhận truy vết rất hiệu quả. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, chính phủ Anh vẫn chưa điều động 750.000 tình nguyện viên được đào tạo.

Paul Nurse, Giám đốc Viện Crick và là một trong những nhà khoa học hàng đầu tại Anh, cho rằng, có một “bức màn bí mật” liên quan đến các quyết sách quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19.

Thay vì huy động các nhân viên tình nguyện và các bác sĩ đa khoa tại đại phương, chính phủ Anh lại quyết định chỉ định tập đoàn Serco trúng gói thầu trị giá tới 108 triệu bảng mà không qua đấu thầu để cung cấp dịch vụ truy vết khẩn cấp cho những người đang tự cách ly. Đến cuối tháng 8 này, chính phủ Anh sẽ quyết định có mở rộng gói thầu lên 410 triệu bảng hay không.

Tuy nhiên, hiệu quả của gói thầu không được như mong đợi. Theo số liệu do Intelling, một công ty dịch vụ được Serco thuê hỗ trợ công việc, cung cấp, 471 người làm nhiệm vụ truy vết chỉ thực hiện được 135 cuộc gọi trong vòng hai ngày. Ngoài ra, còn có tình trạng một người tiếp xúc gần với ca nhiễm liên tục nhận được các cuộc gọi từ những người truy vết khác nhau, có người từng nhận tới 20 cuộc gọi.

Lẽ ra, những người tham gia truy vết phải được chính quyền địa phương huy động để những số liệu khổng lồ mà họ thu thập được không bị chuyển sang Serco hay Deloitte mà được cung cấp cho giới chức địa phương để từ đó đưa ra quyết định có tăng cường xét nghiệm hay cần phong toả cộng đồng hay không.

Costello cho rằng hệ thống xét nghiệm – truy vết của Anh không cần đến những hợp đồng lớn và tập trung tại trung ương, mà cần chuyển sang cách tiếp cận hướng đến các địa phương và phải làm ngay từ ban đầu, nếu không, việc đảm bảo số ca nhiễm Covid-19 mới không tăng như giai đoạn mùa hè sẽ không thể kéo dài.

“Anh đã không tạo ra được sự khác biệt nào trước sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm Covid-19 trong thời gia qua do không có sự hỗ trợ và giám sát hiệu quả đối với những người phải bị cách ly”, giáo sư Costello viết. “Nước này lẽ ra phải đưa ra được một chiến lược cách ly và kế hoạch phòng chống Covid-19 hiệu quả từ tháng 2, nhưng họ đã không làm được như vậy trong suốt 6 tháng qua”.

Theo Guardian

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ