Chuyến xe nhân ái: Cụ ông 63 tuổi bị hở van tim nuôi con bạo bệnh, chăm cháu ăn học khiến khán giả nể phục

Tuổi cao, sức yếu nhưng hai cụ ông, cụ bà tại Bạc Liêu vẫn phải một mình chăm nuôi con cháu khiến khán giả không khỏi đau lòng. Niềm vui nho nhỏ đã tìm đến hai gia đình khi họ đã nhận được tổng giải thưởng 77 triệu đồng từ chương trình “Chuyến xe nhân ái”.

Kỳ 601 chương trình “Chuyến xe nhân ái” tuần này đã tìm tới và giúp đỡ cho hoàn cảnh của gia đình bà Phạm Thị Bích (1964) – ấp Quang Trạch, xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và ông Trần Văn Ly (1960) – ấp Bắc Hưng, xã Vĩnh Lợi A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Dù ở tuổi xế chiều, không còn sức khỏe để làm việc nhưng họ vẫn gắng sức làm lụng, chắt chiu từng đồng để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con cháu.

Chương trình Chuyến xe nhân ái

Chương trình đã tìm đến gia đình bà Bích trong thời điểm ngôi nhà vẫn còn nghi ngút khói hương của chồng và con trai út của bà. Một năm trước, căn bệnh suy thận mãn đã cướp đi người chồng đã cùng bà chia ngọt sẻ bùi.

Chưa dừng lại đó, một ngày sau đứa con trai út cũng bỏ bà mà đi vì căn bệnh tràn dịch phổi. Nơi mái lá nghèo giờ đây chỉ còn mỗi mình bà Bích, cố gánh gồng để lo miếng ăn cho 2 đứa cháu. Hiện giờ, hai cháu vẫn đang tuổi ăn, tuổi học khi một cháu mới lên 8 và một cháu nội vừa lên 10 nên chuyện tiền nong là điều không thể không lo.

Bà Bích chia sẻ: “Hồi đó cả nhà cũng cố gắng làm lụng với công việc thu mua dừa rồi bán lại kiếm lời. Chồng tôi và con trai út thì phụ trách việc hái dừa, còn tôi thì gom cột lại. Thế rồi hai cha con bỏ tôi đi, tôi lúc đó cũng không còn biết gì nữa. Bao nhiêu tiền bạc trong nhà cũng gom góp để trị bệnh cho hai cha con giờ cũng hết luôn. Bây giờ tôi phải cố gắng làm để nuôi hai đứa cháu nhỏ”.

Cô Bích

Thương bà nội vất vả, em Thảo Trân cũng tranh thủ những lúc rảnh rỗi để phụ giúp bà làm việc. Hai bà cháu thường cùng nhau tước cọng dừa để bán, kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy, miễn có thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. “Có bữa con tước bằng dao, dao bén quá nên con đứt tay. Vết thương cũng khá đau nhưng con cũng chỉ đi rửa, dùng vải cột tạm rồi lại tiếp tục làm. Nội kêu con đi nghỉ đi nhưng để một mình nội làm thì lâu lắm mới xong”, em Thảo Trân tâm sự.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà Bích luôn tự nhủ lòng phải mạnh mẽ, kiên cường, quyết tâm dùng sức lao động của mình để lo cho các cháu. Bà Bích cho biết mình đã có mối mua dừa và muốn có một số vốn để đầu tư cho công việc thu gom, mua bán dừa để thu nhập được ổn định hơn.

Chương trình Chuyến xe nhân ái

 

Bà vẫn cố gắng làm thuê, làm mướn, chắt chiu với ý định đủ tiền sẽ bắt đầu với nghề mua dừa vì đã có sẵn đầu vào, đầu ra. Thế nhưng một mình bà làm để nuôi hai đứa cháu không đủ nên bà Bích cũng đành ngậm ngùi nhìn bao dự định tương lai phải dang dở.

Cùng hoàn cảnh như bà Bích là hoàn cảnh của gia đình ông Trần Văn Ly. Theo chia sẻ, cách đây 5 năm, vợ của ông Ly đổ bệnh nặng nên bao nhiêu của cái, đất đai ông đều gom đi bán để lấy tiền chạy chữa cho vợ nhưng bà vẫn không qua khỏi. Khó khăn chồng chất khó khăn khi ngày con dâu bỏ đi, con trai phát bệnh nặng để lại mấy đứa không ai chăm sóc. Thương con, thương cháu, ông Ly cũng phải một mình làm việc kiếm tiền để chăm sóc, cưu mang.

Ông Trần Văn Ly nuôi con trai và cháu

Ở tuổi 63, ông Ly tìm đủ phương kế sinh nhai với nhiều công việc làm thuê chẳng quản nhọc nhằn. Ông làm từ phụ hồ cho đến làm cỏ be bờ, chỉ mong tìm kiếm cho gia đình bữa cơm đủ no. “Hồi đó còn bà nhà, 2 vợ chồng nuôi heo, nuôi cá để sống vì mình cũng không có ruộng đất gì.

Lúc con trai đưa mấy đứa cháu về ở chung, cuộc sống cũng đỡ chứ không có tệ như bây giờ. Rồi từ hồi bà phát bệnh ung thư gan, chạy chữa nhiều lắm mà không qua được. Xong sau đó cái tới thằng út phát bệnh lao với tiểu đường là gia đình tôi suy sụp luôn”, ông Ly kể lại.

Vừa chăm lo cho bệnh tình của con trai, vừa phải chạy vại lo cho miếng ăn hàng ngày cho cả gia đình, nên dù đã hơn 3 năm bị căn bệnh hở van tim hành hạ, ông Ly vẫn chưa một lần đến bệnh viện thăm khám. Sức khỏe xuống dốc, tìm được công việc ổn định dường như lại càng khó khăn hơn với người đàn ông tóc đã bạc màu này. Ước mơ của ông Ly bây giờ là có một số vốn nhỏ để chăn nuôi lợn chứ không dám đi làm xa vì để con trai và cháu ở nhà ông cũng không yên tâm.

Ông Trần Văn Ly trong thử thách

Hai cháu nội của ông Ly là cháu Văn Đầy và Văn Tràn cho biết mỗi ngày được ông nội cho 5 nghìn nhưng hai cháu đều không tiêu xài gì mà để dành bỏ vào ống heo. Không chỉ thế, những ngày không đi học, hai cháu còn đi mò cua, bắt ốc bán để phụ ông kiếm tiền.

“Ngày nào không học thì hai anh em con đi bắt ốc và bán được khoảng 15 ngàn đồng. Bọn con gom bỏ ống heo tầm 3, 4 tháng là đập, số tiền để dành được khoảng 200 – 300 trăm ngàn. Tiền đó con đưa cho nội mà nội không chịu lấy, con phải nói một hồi nội mới thuyết phục được nội”, cháu Văn Đầy nói thêm.

Hai hoàn cảnh trong Chuyến xe nhân ái

Cùng chung ước mơ có một số vốn để cải thiện kinh tế gia đình, ông Ly mơ ước trở lại công việc chăn nuôi heo, bà Bích mong mỏi có vốn đi thu mua dừa. Đến với chương trình Chuyến xe nhân ái, cả hai gia đình đã có cho mình một số vốn tổng cộng là 77 triệu đồng.

Chương trình Chuyến xe nhân ái được phát sóng lúc 19g thứ 7 hàng tuần trên kênh THVL1.

Bài, ảnh: Bee Comm

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ