Đạo luật cho phép Trump điều binh đối phó biểu tình

Đạo luật Chống Nổi loạn cho phép Trump huy động quân đội đối phó biểu tình và bạo loạn, song có thể bị các thống đốc bang phản đối.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 đe dọa điều động quân đội ở cấp độ liên bang tới các thành phố lớn để đối phó với tình trạng bạo lực tiếp diễn trên toàn quốc sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da màu ở Minneapolis, bang Minnesota, hồi tuần trước

Tuyên bố của Trump gây hoài nghi, vì đạo luật Posse Comitatus 1878 cấm quân đội Mỹ triển khai lực lượng trong nước hoặc thực hiện các chức năng hành pháp thay cảnh sát trên lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Trump hoàn toàn có thẩm quyền thực hiện lời đe dọa trên nếu viện dẫn Đạo luật Chống Nổi loạn, được ban hành năm 1807 và cho phép chính phủ liên bang sử dụng lực lượng quân đội để đối phó với tình trạng bất ổn trong nước và một số tình huống khẩn cấp khác.

Khi kích hoạt đạo luật này, tổng thống Mỹ có quyền điều quân để đối phó với “bất cứ cuộc nổi dậy, bạo loạn trong nước, tụ tập bất hợp pháp hoặc âm mưu chống phá hay cản trở thực thi pháp luật của Mỹ”.

Tổng thống Mỹ có thể kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn để triển khai quân đội tới các bang đối phó biểu tình mà không cần xin phê chuẩn từ quốc hội. Tuy nhiên, ông phải làm điều này theo một quy trình tuyên bố chính thức, nhằm cho phép những người trong khu vực ảnh hưởng tự giải tán hoặc trở về nhà.

Mặc dù đe dọa sẽ triển khai quân đội tới các bang nếu thống đốc, thị trưởng khu vực đó không “bảo vệ được tính mạng và tài sản người dân”, Trump tới nay chưa thực hiện quy trình tuyên bố kích hoạt  Đạo luật Chống Nổi loạn và các nguồn tin cho biết ông chưa điều động bất cứ đơn vị quân đội liên bang nào.

Quân cảnh của Vệ binh Quốc gia thủ đô Washington D.C. lập hàng rào an ninh bên ngoài Nhà Trắng, ngày 1/6. Ảnh: Reuters.

Quân cảnh của Vệ binh Quốc gia thủ đô Washington D.C. lập hàng rào an ninh bên ngoài Nhà Trắng, ngày 1/6. Ảnh: Reuters.

Trump đang là tư lệnh Vệ binh Quốc gia của Washington D.C. và thực hiện thẩm quyền huy động vệ binh thông qua Bộ trưởng Quốc phòng. Trump đã điều Vệ binh Quốc gia của Washington D.C tới đảm nhận các nhiệm vụ tại thủ đô của Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cũng triển khai thêm nhân viên thực thi pháp luật liên bang tại Washington D.C., nơi cơ quan này có thẩm quyền đáng kể.

Đạo luật Chống Nổi loạn rất ít khi được kích hoạt trong hơn hai thế kỷ từ khi được ban hành. George H.W. Bush là tổng thống Mỹ cuối cùng kích hoạt đạo luật để đối phó với cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992, sau khi các cảnh sát liên quan đến vụ đánh đập công nhân da màu Rodney King được tha bổng.

Quốc hội Mỹ từng sửa đổi Đạo luật Chống Nổi loạn sau trận bão Katrina năm 2006, nhằm quy định rõ hơn về các tình huống Tổng thống có thể kích hoạt đạo luật. Tuy nhiên, một số điều khoản sửa đổi bị hủy bỏ một năm sau đó, do vấp phải sự phản đối từ nhiều thống đốc bang, những người không muốn để quyền triển khai lực lượng quân sự của mình rơi vào tay chính quyền liên bang.

Trump được cho là đã dành cả ngày để nghiên cứu về các điều kiện kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn. Dù Trump mô tả mối đe dọa của mình thế nào, ông vẫn có thể đối mặt với thách thức đáng kể khi kích hoạt đạo luật mà không có sự tán thành của các thống đốc bang.

Trump cầm kinh thánh đứng trước Nhà thờ St. John, Washington D.C., ngày 1/6. Ảnh: Reuters.

Trump cầm kinh thánh đứng trước Nhà thờ St. John, Washington D.C., ngày 1/6. Ảnh: Reuters.

Đạo luật Chống Nổi loạn quy định tổng thống Mỹ có quyền điều động lực lượng liên bang, trong đó có dân quân từ bang khác, tới một bang cụ thể nếu được cơ quan lập pháp hoặc thống đốc bang này yêu cầu. Tổng thống Mỹ cũng có quyền sử dụng lực lượng vũ trang này để trấn áp cuộc nổi dậy nếu cần.

Tuy nhiên, đạo luật cũng lại quy định tổng thống Mỹ có thẩm quyền triển khai lực lượng quân đội tới các bang nếu tình trạng bạo lực “cản trở việc thực thi pháp luật của bang lẫn của chính quyền liên bang” và quyền cơ bản của người dân tại đó không được bảo vệ.

Việc tổng thống Mỹ đơn phương kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn có thể là bất hợp pháp và vấp phải thách thức pháp lý từ giới chức các bang, khi họ không đồng ý rằng mình đã “thất bại hoặc từ chối bảo vệ” quyền cơ bản của người dân. Các bang cũng có thể khởi kiện nhằm chống lại việc điều động quân đội tới các thành phố trên khắp nước Mỹ.

Lời đe dọa “động binh” được Trump đưa ra sau cuộc thảo luận căng thẳng với các thống đốc ngày 1/6, trong đó Tổng thống Mỹ đề xuất loạt chiến thuật mạnh tay để ngăn người biểu tình và những kẻ nổi loạn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói các thành phố Mỹ đã trở thành “bãi chiến trường”, kêu gọi chính quyền các bang và địa phương “chế ngự” tình hình, thuật ngữ thường được sử dụng trong hoạt động quân sự.

Cái chết của George Floyd làm bùng lên các cuộc biểu tình và bạo động tại ít nhất 140 thành phố khắp nước Mỹ, khiến ít nhất 40 thành phố áp lệnh giới nghiêm để đối phó. Nhiều cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực, trong khi một số người lợi dụng tình hình hỗn loạn để cướp bóc, đốt phá. Khoảng 17.000 Vệ binh Quốc gia được huy động tại thủ đô Washington D.C. và 26 bang để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật địa phương.

Theo Drive

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ