Hát cho ngày mai: Xúc động với câu chuyện của các “anh hùng” lực lượng tuyến đầu chống dịch

Bên cạnh sự góp mặt của các nghệ sĩ, chương trình Hát cho ngày mai được kết nối bởi MC Quyền Linh đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc khó quên về sự hi sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tập 11 chương trình âm nhạc vì cộng đồng Hát cho ngày mai phát sóng lúc 19h30 chủ nhật ngày 06.02 trên kênh HTV7. Tạm thay thế vai trò kết nối của Quyền Linh tuần này là bác sĩ Hồ Quốc Pháp và điều dưỡng Võ Thị Út Mười, hai thí sinh đã góp mặt trong tập 2 của chương trình. Tập phát sóng tuần này, khán giả được nhìn lại những khoảnh khắc, câu chuyện ấn tượng đã trải qua trong chương trình. Qua nửa chặng đường phát, Hát cho ngày mai đã chinh phục được trái tim của đông đảo khán giả khắp cả nước.

Bác sĩ Đặng Minh Hiệu (28 tuổi) khiến Quyền Linh sởn gai ốc khi viết sẵn di chúc khi tham gia chống dịch

Đặng Minh Hiệu

Gây chú ý ở tập 2 là sự góp mặt của thí sinh Đặng Minh Hiệu, bác sĩ khoa gây mê hồi sức, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Chàng bác sĩ này từng gây sốt cộng đồng mạng với nụ cười tỏa nắng khi được đồng nghiệp cạo trọc đầu trước khi vào tâm dịch Bắc Giang để tham gia chống dịch.

Bác sĩ Minh Hiệu chia sẻ trước khi ra Bắc Giang anh cũng đã tham gia chống dịch ở bệnh viện nơi mình công tác. “Lúc đó tụi em cũng rất sợ vì nguy cơ mắc bệnh cũng cao vì tụi em mới tiêm một mũi vắc-xin. Em có một người bạn đồng hành là bác sĩ Nguyệt Anh, hai chị em đã viết di chúc cho nhau. Tụi em có nói với nhau là nếu mình dính bệnh phải thở máy thì hãy để tụi em đi luôn chứ đừng hồi sức. Tụi em sợ khoảng thời gian phải nằm trên giường bệnh từ ngày này qua ngày khác, từ tuần này qua tháng nọ. Em rất sợ cảm giác đó”, Minh Hiệu bộc bạch.

Nghe những chia sẻ của bác sĩ Minh Hiệu khiến dàn giám khảo lẫn khán giả không khỏi xúc động và cảm phục trước sự can đảm của nam bác sĩ trẻ này. Còn MC Quyền Linh lại “sởn gai ốc” bởi những suy nghĩ và sắp đặt trước cho tương lai của những bác sĩ trẻ khi tuổi đời còn chưa qua ngưỡng 30.

Nam tình nguyện viên bị kỳ thị khi trở thành F0 nhưng vẫn quyết cống hiến sức mình cho cộng đồng ngay sau khi khỏi bệnh

541A1689

Trong tập 3, thí sinh Nguyễn Ngọc Bảo (34 tuổi, thợ tạo mẫu tóc tại TP.HCM) đã mang tới câu chuyện của chính mình khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm. Anh đã không may trở thành F0 sau 4 tháng tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch và bị mọi người xung quanh xa lánh, kì thì, buông ra những lời cay nghiệt bởi họ cho rằng chính anh là người làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng tới nhiều người.

Nghe Ngọc Bảo chia sẻ, MC Quyền Linh cho hay: “Chúng ta không nên đổ thừa cho ai và cũng không nên kỳ thị bất kì F0 nào. Việc Bảo trở lại đội tình nguyện để tiếp tục giúp đỡ mọi người sau khi khỏi bệnh là một hành động rất đáng để trân trọng”, nam MC bày tỏ.

Chàng trai cùng mẹ khiếm thị lập nên bếp ăn 0 đồng để giúp đỡ người già neo đơn và người khuyết tật

541A1483

Thí sinh Chu Văn Huân (34 tuổi, vũ công chuyên nghiệp, Lâm Đồng) xuất hiện trong tập 4 đã khiến khán giả cảm phục trước hành động ý nghĩa mà anh và mẹ khiếm thị đã làm trong mùa đại dịch vừa qua. Là một vũ công, thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Văn Huân đã thành lập nên bếp ăn 0 đồng tại quận Gò Vấp, TP.HCM.

Mỗi ngày, gia đình Huân bắt đầu công việc từ 4 giờ đến 10 giờ sáng để chuẩn bị hàng trăm suất ăn mang đi giao cho người nghèo và người khuyết tật. Mẹ của Huân thì tự nấu những phần thực phẩm để mang tặng cho những người ở xa, người khuyết tật có thể ăn trong vòng 1 tuần. Bếp ăn 0 đồng của anh được lập từ hồi đầu tháng 7/2021 và vẫn được duy trì cho tới hiện tại nhờ vào sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân.

Cảm phục người mẹ gửi con 9 tháng tuổi về quê cho bà ngoại chăm sóc để tham gia chống dịch

Nguyễn Thị Thu

Ở tập 5, thí sinh Nguyễn Thị Thu (Điều dưỡng trưởng – Khoa thăm khám bệnh – Bệnh viện quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ, suốt nhiều tháng tham gia chống dịch ngoài công việc chuyên môn như chăm sóc, vệ sinh cho bệnh nhân thì chị còn đảm nhận nhiệm vụ gói tử thi và gọi điện báo tử cho người nhà của họ. Tuy nhiên, điều khiến khán giả khâm phục chị Thu hơn cả là chị đã phải cai sữa khi con mới chỉ 9 tháng tuổi và gửi bé về quê để được tiêm vắc-xin và tham gia chống dịch.

Nghe những lời tâm sự của chị Thu, MC Quyền Linh lén lút lấy tay quẹt đi nước mắt và bày tỏ sự khâm phục, sự hi sinh của nữ điều dưỡng đã quên đi lợi ích của bản thân, của con cái để chung tay, góp sức vì xã hội. Có mặt ở vị trí giám khảo chương trình, ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ khi nghe câu chuyện của Thu, nữ ca sĩ cảm nhận được những gánh nặng mà thí sinh này phải mang trên vai khi đối diện với một bên là người nhà, một bên là bệnh viện, một bên là bệnh nhân và những người đã khuất.

Nữ giảng viên quyết tâm giấu chồng việc mình đang mang thai để sát cánh cùng đồng đội chống dịch, cứu sống bệnh nhân

Mỹ Lâm 1

Giảng viên Nguyễn Thị Mỹ Lâm (1988, công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) xuất hiện trong tập 7 vừa qua cũng khiến khán giả không khỏi khâm phục về sự gan dạ và tấm lòng tương thân, tương ái của chị. Mỹ Lâm đã tham gia chống dịch từ tháng 7/2021 và chị phát hiện mình mang bầu sau gần 1 tháng tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Dù biết sống chung với dịch thì tỉ lệ nhiễm bệnh của mình là rất cao nhưng nữ giảng viên vẫn quyết định giấu giếm mọi chuyện để có thể tiếp tục ở lại giúp đỡ, chăm sóc cho bệnh nhân.

Chỉ sau gần 1 tuần kể từ khi phát hiện mình mang bầu, chị Mỹ Lâm liên tục bị đau đầu và tụt đường đến mức chân tay run lẩy bẩy, thậm chí là khó thở. Dù bị trưởng nhóm đuổi về nhưng nữ giảng viên này vẫn hỗ trợ online cho công tác hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân F0.

Mỗi câu chuyện là một bài học về tình yêu thương mà các thí sinh của chương trình Hát cho ngày mai là các lực lượng tuyến đầu chống dịch muốn truyền tải và lan tỏa đến với mọi người.

Chương trình Hát cho ngày mai lên sóng lúc 19h30 chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Công ty Golden Moon phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện, với sự đồng hành của Hệ thống siêu thị Vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen).

Bài, ảnh: Golden Moon

 

 

 

 

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ