Mỹ hối thúc EU điều tra Trung Quốc về Covid-19

Chính quyền Trump đang thúc giục EU hỗ trợ cuộc điều tra quốc tế về cách Trung Quốc xử lý Covid-19, bao gồm cả nguồn gốc đại dịch.

Mỹ đang thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về việc liệu Trung Quốc có xử lý sai Covid-19 trong giai đoạn đầu bùng phát, dẫn đến một đại dịch toàn cầu đã giết chết gần 260.000 người và làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu hay không.

Ý tưởng mở cuộc điều tra độc lập về Covid-19 được chính phủ Australia khởi xướng từ giữa tháng 4 và nó nhanh chóng trở thành tâm điểm đấu khẩu giữa Trung Quốc với phương Tây. Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye gần đây đã cáo buộc Canberra “thông đồng” với Washington để công kích Bắc Kinh.

Lo ngại làm phật lòng cả Trung Quốc lẫn Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) ban đầu đề xuất một cuộc điều tra quốc tế để xem xét các “bài học kinh nghiệm từ phản ứng y tế quốc tế với Covid-19”, nhằm giúp cải thiện các biện pháp ứng phó dịch trong tương lai. EU đề xuất một dự thảo nghị quyết để thông qua tại hội nghị từ 17/5 đến 20/5 của Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định tối cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, đề xuất này không đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc điều tra nguồn gốc nCoV. Các quan chức Washington nhiều lần cáo buộc rằng nCoV có thể bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, điều khiến Bắc Kinh nổi giận, cho rằng đây là chiến lược “chuyển hướng dư luận” sau khi Washington phạm nhiều sai lầm trong xử lý đại dịch.

Đề xuất của EU cũng không tìm cách đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia nào gây ra đại dịch và cuộc điều tra chỉ được thực hiện khi khủng hoảng Covid-19 qua đi.

“Theo tôi, chúng ta cần xem xét một cách độc lập những điều đã xảy ra, đứng ngoài cuộc chiến đổ lỗi giữa Mỹ và Trung Quốc, điều chỉ khiến cuộc đối đầu của họ trầm trọng thêm”, Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, cho biết trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng trước. Ảnh: Xinhua.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng trước. Ảnh: Xinhua. 

Tuy nhiên, khi kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới càng đến gần, trong khi sức ép từ Mỹ cũng gia tăng, ngày càng nhiều cuộc đàm phán căng thẳng được tổ chức để thảo luận về nội dung dự thảo do EU đề xuất, khi các thành viên WHO đưa ra nhiều kiến nghị thay đổi.

Đến ngày 5/5, một phát ngôn viên EU nói rằng việc hiểu rõ ngọn ngành về mặt dịch tễ học đối với đại dịch Covid-19 là “rất cần thiết” để giới chức đưa ra các “quyết định thấu đáo”. Những nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết những quan ngại của Mỹ đã được phản ánh trong dự thảo nghị quyết hiện nay.

Người phát ngôn phái bộ Trung Quốc tại EU cho biết Bắc Kinh đã nắm được ý tưởng của châu Âu nhưng không đưa ra bình luận.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày tuyên bố “chúng tôi trông cậy vào các đồng minh và đối tác tham gia cùng Mỹ nêu lên những câu hỏi khó cần đặt ra với Trung Quốc, cũng như WHO, nhằm ngăn những dịch bệnh không được kiểm soát như vậy bùng phát trong tương lai”.

Đề xuất của EU được đưa ra sau khi Mỹ và chính phủ nhiều nước ngày càng chỉ trích phản ứng chậm chạp của Trung Quốc trước Covid-19 ngay những ngày đầu bùng phát, thời điểm được cho là có thể ngăn chặn virus.

Bắc Kinh đáp trả bằng cách phản bác lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về Covid-19 và cũng đưa ra những nghi ngờ của riêng mình về nguồn gốc nCoV, trong đó cho rằng quân đội Mỹ có thể đã mang virus tới Trung Quốc.

Giới chức EU trước đây cho biết sẽ ủng hộ ý tưởng về một cuộc điều tra độc lập, nhưng nói rằng không nên đánh mất sự phối hợp toàn cầu để ngăn Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 3,7 triệu người nhiễm trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hồi đầu tuần lại tuyên bố “cả thế giới muốn làm rõ chính xác nguồn gốc của nCoV”.

Chiến lược ngoại giao và tuyên truyền của Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết liệt hơn sau đại dịch, khi các đại sứ và truyền thông nhà nước liên tục công kích, phản bác những chỉ trích về cách Trung Quốc xử lý Covid-19.

Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, sau khi khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019. Toàn cầu hiện ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm, gần 260.000 người chết và hơn 1,2 triệu người tử vong.

Theo WSJ

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ