Mùa Hè là lúc thời tiết chuyển nắng nóng, khiến nhu cầu cung cấp nước cho cơ thể tăng lên, đặc biệt ở những người hoạt động ngoài trời. Khi cơ thể thiếu nước, hoạt động của các cơ quan sẽ thay đổi, dẫn tới những triệu chứng bất thường. Có thể chúng ta đã gặp phải tình trạng mất nước.
Một điều đáng lưu ý, khi cơ thể thiếu nước, biểu hiện không đơn giản chỉ là khát. Do đó, đây là một vấn đề nghiêm trọng nhưng dễ bị bỏ qua. Vậy mất nước nguy hiểm như thế nào, các biểu hiện khác ra sao, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về tình trạng thường gặp này.
Mất nước là gì?
Nước chiếm khoảng 75% cơ thể, trong các tế bào, giữa các tế bào, trong mạch máu… Lượng nước cần thiết không giống nhau ở mỗi người. Trung bình, mỗi ngày một người trưởng thành cần uống 2 lít nước.
Mất nước là tình trạng cơ thể chúng ta sử dụng hoặc mất đi lượng nước nhiều hơn lượng nước được cung cấp hằng ngày. Nếu lượng thiếu hụt không được bù đủ thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước. Thiếu nước khiến các cơ quan không thể thực hiện các chức năng một cách bình thường. Từ đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện từ nhẹ tới nặng, thậm chí có thể tử vong.
Dấu hiệu nhận biết khi bị mất nước
Nếu bạn khát, đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cơ thể bạn đang bị mất nước. Tuy nhiên, các dấu hiệu mất nước không phải lúc nào cũng rõ ràng như vậy.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh lý học, theo thời gian, cơ thể trở nên khó phát hiện các dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như lượng muối trong máu cao. Nếu không có những tín hiệu này, người lớn tuổi có thể không nhận ra mình đang mất nước. Tình trạng mất nước không được điều trị có khả năng khiến nhịp tim tăng lên, gây căng thẳng cho tim.
Dưới đây là một số dấu hiệu mất nước bất thường mà bạn không nên bỏ qua:
Hôi miệng
Nước bọt có đặc tính kháng khuẩn và tình trạng mất nước có thể khiến cơ thể không tiết đủ nước bọt. Do đó, vi khuẩn có thể phát triển quá mức trong miệng, dẫn đến hôi miệng. Vì vậy, khi miệng bạn có vẻ khô và hơi thở có mùi lạ, đó là dấu hiệu cho thấy bạn nên bù nước.
Da khô hoặc đỏ ửng
Da thiếu nước có thể trở nên khô, bong tróc, ngứa và thậm chí trông xỉn màu. Thay đổi thời tiết, chế độ ăn uống không lành mạnh và lựa chọn lối sống như uống rượu hoặc caffeine làm cạn kiệt lượng nước trong da của bạn. Một triệu chứng quan trọng khác liên quan đến da là da bị lõm sau khi bạn ấn vào và phải mất một thời gian để trở lại trạng thái bình thường.
Chuột rút cơ
Càng nóng lên do hoạt động hoặc do thời tiết, bạn càng dễ bị chuột rút do nhiệt tác dụng lên cơ. Ngoài ra, những thay đổi trong các chất điện giải như natri và kali cũng có thể dẫn đến chuột rút cơ.
Ngay cả trong thời tiết mát mẻ hơn, tình trạng mất nước vẫn có khả năng xảy ra nếu bạn không uống đủ nước trong khi tập thể dục hoặc bất kỳ hoạt động nào khác.
Thèm đồ ngọt
Cơ thể mất nước có thể gây khó khăn cho các cơ quan như gan trong việc giải phóng glycogen – glucose dự trữ, và các thành phần dự trữ năng lượng khác. Điều này có thể kích thích cảm giác thèm ăn đường để cung cấp nguồn năng lượng nhanh chóng trong khi những gì bạn thực sự cần là bù nước. Nếu bạn nghĩ mình thèm đường là do mất nước, hãy thử uống nước trước khi ăn.
Nhức đầu, hoa mắt, ù tai
Cơ thể thiếu nước bao gồm cả não cũng không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết để hoạt động, sẽ gây ra các triệu chứng đau đầu, đặc biệt là khi vận động cơ thể. Hơn nữa, hệ tuần hoàn cũng hoạt động kém hiệu quả hơn do thiếu nước sẽ dẫn đến chóng mặt, hoa mắt và ù tai.
Cách xử lý khi bị mất nước
Điều trị tốt nhất khi mất nước là bổ sung kịp thời lượng dịch và điện giải đã mất. Tùy theo lứa tuổi, độ nặng và nguyên nhân mà cách bổ sung cũng thay đổi.
Với trẻ nhỏ, có thể pha dung dịch tại nhà từ nước, muối và đường. Bắt đầu cho trẻ uống với muỗng (khoảng 5ml) mỗi 1 tới 5 phút tới khi trẻ không còn nhu cầu. Với trẻ không uống được hoặc trẻ rất nhỏ có thể cần truyền dịch đường tĩnh mạch.
Với người lớn, các trường hợp mất nước nhẹ tới vừa, có thể bù dịch bằng uống nhiều nước hoặc các dung dịch khác. Chú ý khi tiêu chảy, các loại nước trái cây hay nước ngọt nên hạn chế vì có thể làm nặng hơn tình trạng này. Tránh các đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà, sô-đa… Khi bù dịch qua đường uống thất bại, cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để bù dịch qua đường tĩnh mạch.
Phòng ngừa tình trạng mất nước, cần làm gì?
Uống đủ nước, ăn những loại thức ăn chứa nhiều nước, nhất là vào mùa Hè. Các chuyên gia khuyên không nên đợi tới khi khát mới uống nước. Tốt hơn là uống từng ngụm nhỏ, một cách đều đặn. Khi thời tiết không quá nóng, nước ấm là sự lựa chọn tốt hơn.
Bổ sung những loại nước uống giải nhiệt mùa Hè như nước dừa, nước chanh dây, nước cam… Những loại nước này vừa giúp cơ thể giảm nóng, cung cấp một số vi chất và đường giúp ngăn ngừa mất nước một cách tự nhiên.
Những người làm việc ngoài trời hay chơi thể thao nên uống thêm các loại nước bù điện giải có chứa các ion thiết yếu như Na+, Cl-, Ca2+, Mg2+, K+…
Hạn chế đi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng vì rất có thể bạn sẽ bị mất nước và say nắng.
Khi thời tiết lạnh cũng cần bổ sung nước vì lúc này không khí thường khô hơn, dẫn tới mất nước qua hơi ẩm.
Người già mắc các bệnh lý dù nhẹ như cảm cúm, viêm phế quản, nhiễm trùng bàng quang nên uống nhiều nước hơn thường ngày dù chưa biểu hiện triệu chứng của mất nước.
Mất nước có thể gây nguy hiểm tính mạng như dẫn tới sốc nhiệt, tụt huyết áp. Do đó, quan trọng nhất là nên uống đủ nước. Đồng thời, cần chú ý những biểu hiện mất nước sớm ở những đối tượng nguy cơ như trẻ em, người già để có thể xử trí kịp thời.
Các biến chứng có thể gặp khi cơ thể mất nước
Mất nước có thể dẫn tới một loạt các hậu quả nghiêm trọng. Có thể kể tới như:
Tổn thương do nhiệt: có thể nhẹ như chuột rút cho đến nguy hiểm tính mạng như sốc nhiệt.
Các bệnh lý liên quan đến thận: tình trạng thiếu nước kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu, hình thành sỏi thận, nặng nề nhất là suy thận.
Động kinh: mất nước dẫn tới mất và rối loạn cân bằng điện giải như natri, kali. Tình trạng này gây ra sự rối loạn trong dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể. Hậu quả là các cơn co cơ không tự ý, một số trường hợp có thể mất ý thức.
Sốc giảm thể tích: là một trong những biến chứng nặng nề nhất, đe dọa tính mạng. Mất nước khiến thể tích dịch lưu thông trong lòng mạch giảm, dẫn tới huyết áp giảm. Khi đó, các cơ quan thiết yếu không đủ oxy và dưỡng chất để duy trì hoạt động.
DT (tổng hợp) – Nguồn ảnh: Internet