Những chiến lược chống Covid-19 khác thường

Cuộc sống trên khắp thế giới thay đổi chóng mặt khi hàng loạt biện pháp được đưa ra nhằm kiềm chế nCoV.

Nhiều nước đang thử nghiệm các phương pháp mới, đôi khi khác thường, nhằm dỡ bỏ dần các giới hạn mà không tạo ra một đợt sóng lây nhiễm mới.

Với một số nước, trường học cần nối lại hoạt động đầu tiên. Đan Mạch đang cho thấy cách họ làm điều này, bắt đầu từ những học sinh dưới 12 tuổi. Sân trường được chia thành hai phân khu, lớp học được thu hẹp sĩ số, mỗi bàn xếp cách nhau hai mét.

200417105856 01 denmark school 5741 9491 1587464025

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen (ngoài cùng bên phải) nói chuyện với các học sinh trong ngày trường Lykkebo ở Copenhagen mở cửa trở lại. Ảnh: AFP.

Học sinh đến trường và nghỉ giải lao ở các khung thời gian so le nhằm tránh tình trạng đông đúc. Các em cũng được yêu cầu rửa tay khi bước chân tới cổng trường và sau mỗi hai tiếng. Học sinh được khuyến khích ở ngoài nhiều nhất có thể. Các mặt phẳng, bao gồm chậu rửa mặt, bồn cầu và tay nắm cửa được khử trùng hai lần mỗi ngày.

Chile tuần này sẽ phát hành thẻ miễn dịch kỹ thuật số cho những người đã hồi phục khỏi Covid-19, theo thông báo hôm qua từ giới chức y tế nước này. Cái gọi là “thẻ Covid” sẽ được cấp cho những người từng có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV và những người đang có dấu hiệu hồi phục, sau 14 ngày cách ly.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hồi đầu tháng cho biết Anh đang tham khảo ý tưởng phát hành “chứng nhận miễn dịch”, hay hộ chiếu, cho phép những người có kháng thể “được trở lại cuộc sống bình thường trong phạm vi cho phép”.

Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho hay việc người dân mang chứng nhận miễn dịch sẽ “có giá trị trong một số trường hợp nhất định”.

Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện phong tỏa hoàn toàn cuối tuần đối với 31 tỉnh. Các ngày trong tuần, lệnh không ra khỏi nhà chỉ được áp dụng đối với những người dưới 20 tuổi hoặc trên 65 tuổi. Những công dân khác về lý thuyết vẫn được phép ra ngoài, dù các doanh nghiệp nhỏ đều đã đóng cửa, nhà hàng chỉ phục vụ giao đồ ăn mang đi, các không gian công cộng như công viên mở cửa giới hạn và ngân hàng rút ngắn thời gian hoạt động mỗi ngày.

Khu bảo tồn Navajo Nation ở Arizona cũng thực hiện phong tỏa cuối  tuần nghiêm ngặt. Trong thời gian này, người sống trong khu bảo tồn không được rời nhà.

Tại Libya, người dân “chỉ được phép ra ngoài đi bộ” từ 7h sáng đến 12h trưa. Các cửa hàng không được mở cửa ngoài khung giờ trên.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải quốc gia duy nhất quyết định hạn chế đi lại dựa trên độ tuổi. Tại Thụy Điển, những người trên 70 tuổi được yêu cầu ở yên trong nhà. Hồi đầu tháng, các nhà nghiên cứu từ Đại học Warwick, Anh, đề xuất người trẻ, tuổi từ 20 đến 30, không sống cùng cha mẹ, nên được dỡ bỏ phong tỏa đầu tiên.

Tổng thống Peru Martin Vizcarra hôm 2/4 thông báo nước này sẽ áp dụng biện pháp hạn chế dựa trên giới tính vì nó giúp đơn giản hóa việc xác định ai được phép và không được phép ra ngoài. Đàn ông có thể ra ngoài vào các thứ hai, tư và sáu, trong khi phụ nữ được phép rời khỏi nhà vào thứ ba, năm và bảy.

Vài thành phố của Colombia, như Cali và Medellin, lại chỉ cho phép các công dân rời nhà vào thời điểm nhất định trong ngày dựa trên số thẻ căn cước của họ. Quy định trên không áp dụng với các lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.

200420123428 italy drone coron 8348 1225 1587464025

Cảnh sát Italy dùng máy bay không người lái để kiểm tra thân nhiệt của người dân ở Treviolo, gần Bergamo, ngày 9/4. Ảnh: AFP.

Một số nước đang sử dụng thiết bị bay không người lái để giám sát việc thực hiện lệnh phong tỏa. Cơ quan Hàng không Dân dụng Italy (ENAC) cho phép dùng máy bay không người lái để theo dõi di chuyển của người dân từ tháng ba.

Không lâu sau khi Anh ban bố lệnh phong tỏa vào cuối tháng trước, một đơn vị cảnh sát đã đăng video quay từ thiết bị bay không người lái cho thấy cảnh người dân đi lại tại công viên quốc gia Peak District ở hạt Derbyshire.

Công ty máy bay không người lái dân dụng Draganfly tháng này đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Australia và Đại học Nam Australia để triển khai “máy bay không người lái kiểm soát dịch bệnh” nhằm “theo dõi nhiệt độ, nhịp tim và hô hấp của người dân cũng như phát hiện người hắt hơi và ho giữa đám đông”.

Trung Quốc và Kuwait lại dùng máy bay không người lái phát thông điệp yêu cầu người dân trở về nhà.

Theo CNN

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ