Sống xanh không khó

Bài trừ mọi thứ liên quan tới nhựa (plastic); chỉ chọn những sản phẩm làm từ gỗ, lá cây; hay tỏ thái độ cực đoan với ai đó vẫn còn uống sữa động vật, ăn thịt… Đó không phải là sống xanh. Nếu bạn cực đoan như vậy, thì rất có thể, bạn sẽ chết sớm vì không còn gì để sử dụng!

song

Nhựa là kẻ xấu?

Trong cuộc chiến của phe yêu môi trường và phe yêu tiện lợi, nhựa là nhân vật “điều tiếng” nhất. Những mẩu ống hút gây nên cái chết đau đớn cho động vật biển, những mẩu nilon tồn tại nhiều trăm năm trong lòng đất, những hạt vi nhựa len lỏi vào thức ăn, nước uống…

Nhưng bạn đừng quên nhiều thiết bị y tế làm bằng nhựa. Đây cũng là thứ giúp giá thành sản phẩm giảm xuống, cho bạn cuộc sống dễ dàng hơn. Chặt cây làm túi giấy, phá rừng trồng mía và chuối – nguyên liệu cho bao bì “lành mạnh” – cũng tàn ác không kém hút dầu mỏ để có nhựa. Thủy tinh cũng khó phân hủy, còn sắt thép thì cũng là nguyên liệu hóa thạch đấy thôi.

Nhựa không xấu. Cái xấu là sự tham lam của loài người. Thay vì chịu khó ra hàng ăn, ta thích nhân viên giao tận nhà. Thay vì hài lòng với quần áo vừa đủ dùng, ta thích chạy theo mốt. Ta tham lam muốn có cả tiện lợi và môi trường cùng lúc.

empty plastic water bottles plastic bag sand scaledSống xanh không khó

Nói vậy để hiểu rằng, cách duy nhất để sống xanh là giảm bớt sự tham lam trong mỗi người. Để làm được điều đó, chỉ cần bạn nhớ 4 lời nhắc nhở đơn giản ai cũng có thể làm được dưới đây.

Luôn nghĩ về hành trình của rác

Hãy luôn nghĩ về hành trình của rác trước khi tiêu dùng. Vật đó có gây hại cho ai không? Vỏ cà chua có thể tan biến thành đất, được. Hộp bã mía có thể phân hủy, được. Còn túi nilon thì có thể ra bãi rác, trôi xuống biển, chui vào dạ dày một chú rùa, làm chú rùa chết, phân hủy xong lại tiếp tục… chui vào dạ dày một nàng cá heo khác. Thử tưởng tượng trong dạ dày có cái túi như thế, bạn không thể ăn uống hay đi bệnh viện, mà phải chết mòn trong đau đớn? Với món này, hãy chậm lại nếu cần dùng.

Ý thức về đường đi của rác là việc bạn có thể chủ động làm. Những lường trước ấy sẽ khiến bạn chần chừ khi có ý định tiêu dùng vô tội vạ.

horizontal shot discontent dark skinned afro american female frowns face as picks up garbage cleans environment holds net bags plastic things looks away asks throw litter nature scaledCho mình một cơ hội

Nhiều người mới biết đến sống xanh hay người “thích tiện” (tiện đâu bỏ đó, tiện gì dùng nấy) cảm thấy rất khổ sở và khó khăn khi duy trì lối sống này. Ép mình mang bình nước cá nhân, hộp nhựa… mua đồ ăn thì quá lách cách; từ chối túi nilon của người bán hàng thì thấy “nó kì kì”… Một vài lần thất bại, bạn sinh ra ý nghĩ mình không phù hợp, thôi không thay đổi nữa, dù trong lòng có chút lấn cấn.

Bí quyết ở đây là hãy luôn cho mình một cơ hội. Lần này quên mang túi thì có thể từ chối vào lần sau. Kể cả đã là một “ngôi sao trong làng sống xanh”, thì cũng chẳng ai có quyền phán xét nếu bạn “lỡ” dùng một chiếc túi nilon cả. Không gay gắt lên án chính mình, luôn cho mình cơ hội thay đổi sẽ giúp bạn bớt áp lực khi theo đuổi lối sống mới này.

Giảm bớt nhu cầu

Đây là việc khó làm nhất, đặc biệt với những ai nghiện mua sắm.

Chiếc áo đó đã có rồi, nhưng… màu khác nên bạn muốn mua? Bạn săn hàng giảm giá mỗi ngày và thích thú vì mua được đồ rẻ?

Không phải đâu, bạn biết mà, những chiêu trò kinh doanh chỉ để bạn tăng số tiền chi ra càng nhiều càng tốt. Có khi mua rồi, ba năm sau bạn chẳng buồn giật tag…

Thế nên, trước khi mua một món đồ, hãy nghĩ xem bạn có thật sự cần nó không? Có thể thay thế bằng món khác có sẵn, xin hay thuê không? Món đồ ấy sẽ đi đâu nếu bạn không dùng nữa?

Nếu thực sự cần, hãy ưu tiên những cửa hàng ở địa phương để giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch, chọn sản phẩm cùng chức năng có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, có thể phân hủy nhanh.

Tái sử dụng nhiều hơn

Tái sử dụng là cách ta thường dùng để lấp liếm cho việc mua sắm. Kì thực là dù bạn có tái sử dụng đến thế nào, thì cuối cùng chúng vẫn tồn tại và một ngày nào đó sẽ đi ra bãi rác, trở thành khối nhựa trơ trơ trong nhiều thế kỉ. Khuất mắt trông coi không có nghĩa là biến mất. Nhưng dù sao, tái sử dụng vẫn có lợi ích của nó.

Quần áo cũ có thể dùng làm giẻ lau, thảm hay chăn phủ sô pha… hoặc đăng lên các nhóm cho tặng đồ cũ. Một gợi ý là cộng đồng Freecycle cho tặng đồ có ở mỗi địa phương như Freecycle Sài Gòn/Bình Dương/Hải Phòng… Đây là nhóm cho tặng hoạt động hiệu quả, minh bạch và an toàn, vì quy tắc nhóm khá khắt khe.

Cuối cùng, lời khuyên cho bạn là nhìn vào những gì bản thân làm được, thay vì nhìn ra mọi người. Có lúc bạn sẽ nản khi thấy bữa trưa của đồng nghiệp là hàng chồng hộp xốp, thìa nhựa, túi đựng, ly dùng một lần… Bạn thấy công sức của mình chẳng thấm vào đâu. Nhưng bạn có thấy thật may vì bạn đã giảm được một chồng tương tự mỗi bữa trưa không?

“Thế giới tồi tệ hơn không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt” (Napoléon Bonaparte), hãy nhớ câu nói này để tiếp tục duy trì lối sống xanh mà bạn tin tưởng nhé!

Keva

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ