Thơm ngon cá suối

 Những món ăn dân dã thường ngày được chế biến từ cá suối như cá trắng, cá bống, cá niên,…của người dân tộc bản địa Tây Nguyên nay trở thành món ăn đặc sản được nhiều người lùng mua và nằm trong thực đơn các nhà hàng, khu, điểm du lịch.

Mùi thơm ngậy món cá hấp dẫn tỏa ra từ ngôi nhà truyền thống của người M’Nông (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) thật khó cưỡng. Ông Y Quyết Liêng – chủ nhà chỉ mớ cá vừa bắt dưới suối về nói: “Đây là cá trắng và cá niên sẽ chế biến thành món gỏi hoặc nướng lá chuối… nồi nghi ngút khói nằm trên than hồng đỏ rực là món cá bống hấp lá đinh lăng”.

Thơm ngon cá suối ảnh 1
Cá suối hấp, giã lá đinh lăng là món ăn dân dã của người dân tộc bản địa Tây Nguyên

Ngoài món hấp, người M’Nông thường chế biến cá suối giã lá đinh lăng. Là một món ăn thường ngày trong bữa cơm gia đình của họ. Cá suối làm sạch, chiên vàng đem tách lấy phần thịt; lá đinh lăng bỏ phần cuống, cho vào cối thêm chút muối, bột ngọt, ớt xanh vào giã đều, sau đó cho phần thịt cá giã cùng các nguyên liệu. “Bao đời nay, người M’Nông xem lá đinh lăng như dược liệu quý, có lợi cho sức khỏe, đặc biệt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa, bồi bổ cơ thể. Món này, ăn kèm cùng cơm nóng, cơm lam rất ngon”, ông Y Quyết Liêng cho biết.

Vào mùa mưa, ở các khe, suối ngoài cá bống, cá trắng, cá rô, sẽ có nhiều cá niên, loại cá này thịt chắc, không tanh, vị thơm ngọt, nhiều chất dinh dưỡng. Cá niên chỉ ăn rêu, rong tảo bám quanh gờ đá nên ruột sạch. Khi chế biến, người dân thường dùng ruột cá niên giã cùng muối hạt, ớt, tỏi, tiêu rừng hoặc lá é, tạo thành một chén muối chấm có vị đắng nhân nhẫn rất hấp dẫn.

Rẫy nhà anh Y Vân Mlô (xã Cư Né, huyện Krông Búk) nằm gần con suối nhỏ. Anh thường tranh thủ thời gian rảnh ra suối bắt cá về chế biến thành nhiều món như: Hấp, nướng, kho, chiên, làm gỏi, nấu canh…

Theo anh Y Vân, món cá suối nướng lá chuối truyền thống rất độc đáo, thơm ngon, giữ nguyên được vị tươi ngọt của cá. Khi làm món này, người ta hơ lá chuối trên bếp lửa; giã nhuyễn gia vị ướp cá từ ớt rừng, củ nén, ngò gai… Sau đó đổ hỗn hợp cá vào lá chuối gói lại, dùng dây được tước ra từ bẹ chuối buộc chặt, đem nướng trực tiếp trên than đang cháy.

“Khi nướng không cho than lửa cháy quá lớn để cá có thể chín từ từ và trở đều các bên. Nướng đến lúc nào lớp lá chuối bên ngoài cháy sém, dậy mùi thơm là có thể thưởng thức”, anh Y Vân nói.

Theo ông Y Quyết Liêng (người M’Nông, huyện Krông Bông) vào mùa mưa, nhiều hộ dân bản địa sử dụng các dụng cụ đơn giản được đan từ tre, nứa… ra suối bắt cá. Cá niên, cá bống bây giờ đã trở thành đặc sản. Các nhà hàng, khu du lịch người ta thường chế biến cá niên thành món lẩu cá niên măng chua hay món gỏi rau dớn, cá bống kho tiêu…

Nguồn: tienphong.vn

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ