Cựu binh Mỹ ‘quên’ chiến tranh bằng cách trở lại Việt Nam

Grant Coates, người từng tham chiến ở Việt Nam, đã rời quân ngũ để quên đi khoảng thời gian khó khăn, nhưng mọi chuyện không dễ dàng như vậy.

Xem thêm:

Australia đáp trả đe dọa tẩy chay của Trung Quốc

Sáng sớm ngày 30/4/1975, Coates, khi đó 26 tuổi, một sĩ quan cảnh sát, trở về nhà để dùng bữa sau ca trực. Anh bật kênh tin tức lên thì thấy hình ảnh xe tăng của quân đội miền Bắc Việt Nam húc đổ cổng dinh Độc Lập ở Sài Gòn. Trên thực tế, sự kiện chấn động đó đã xảy ra từ vài tiếng trước trong đêm, tức trưa ngày 30/4 theo giờ Việt Nam.

“Tôi vô cùng bất ngờ, khi thấy hình ảnh biểu thị sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Trong phút chốc, mọi ký ức Việt Nam ùa về”, Coates nhớ lại.

Trong lòng anh xáo trộn nhiều cảm xúc, vì đã không theo dõi tin tức về chiến sự ở Việt Nam từ khi rời quân đội vào năm 1974. Coates đã muốn quên đi khoảng thời gian tham chiến.

Năm 1968, chàng trai 19 tuổi Coates đến Việt Nam, là thành viên của Đội Tác chiến Truy lùng số 76, Lữ đoàn Bộ binh hạng nhẹ 199. Nhiệm vụ chính của đơn vị là dùng chó nghiệp vụ để trinh sát, hỗ trợ quân đội Mỹ. Phạm vi hoạt động gồm các tỉnh hiện thuộc Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Biên Hòa, Đồng Nai, Bạc Liêu. Một lần, đơn vị của Coates trúng bom, nhiều người chết ngay trước mắt anh. Coates bị thương nặng ở ngực, bụng và chân, phải nằm viện một tháng. Sau một năm, Coates kết thúc nhiệm vụ, trở về Mỹ. Anh được điều đến đơn vị bộ binh cơ giới ở Maryland và một số địa điểm khác.

Tin tức về “Việt Nam thống nhất” vào ngày 30/4 khiến Coates phải đối diện với bản thân, thừa nhận mình từng phải nỗ lực chống chọi với hội chứng căng thẳng hậu sang chấn (PTS). Rất nhiều lính Mỹ đã mắc hội chứng này sau khi rời cuộc chiến ở Việt Nam. Nhưng Coates cố không để mình “chìm trong rượu hay ma túy” để quên quá khứ như một số cựu binh khác. Anh xuất ngũ vào năm 1974, trở thành cảnh sát New York để rèn khả năng tự kiểm soát và tinh thần trách nhiệm. Giấc ngủ dần trở lại bình thường với Coates.

“Tôi giúp đỡ người khác cũng là giúp chính mình”, ông nói.

vva 1

Grant Coates ở Long Khánh năm 1969. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cuộc sống bình lặng của Coates “nổi sóng” vào năm 1983, khi được một vài người bạn kể về Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam (VVA) lập chi nhánh ở thành phố Oneonta, New York, nơi Coates sống. Coates muốn gặp lại những người từng tham chiến để biết họ có các vấn đề tương tự như của mình.

“Vì thế tôi quyết định tham gia VVA ở cấp địa phương”, ông nói.

Dù bận rộn với công việc của một cảnh sát, Coates dần bị ám ảnh bởi những thông tin về lính Mỹ là tù binh hoặc mất tích sau chiến tranh (POW/MIA) của VVA. Ông dành nhiều thời gian thu thập manh mối từ cộng đồng cựu chiến binh với mong muốn đưa những người còn ở Việt Nam trở về, dù họ còn sống hay đã chết.

“Nhìn lại khoảng thời gian ở Việt Nam, tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể thiệt mạng và mất tích. Nếu vậy thì ai sẽ người đi tìm tôi? Do đó tôi muốn thực hiện trách nhiệm của một người lính, là tìm lại đồng đội của mình”, Coates nói.

Từ các thông tin về trận chiến, địa điểm chôn cất, hình ảnh do các gia đình cung cấp, Coates và đồng sự trong VVA dần xác định được bản đồ về vị trí của lính mất tích ở Việt Nam. VVA đã chuyển các dữ liệu cho tổ chức cựu chiến binh, các cơ quan liên quan và chính phủ Việt Nam, đề nghị hỗ trợ tìm kiếm. Nỗ lực này trở thành hai chiều, cũng giúp Việt Nam xác định quân mất tích trong chiến tranh.

“Khi một người mẹ mất con, con họ ở phe nào không còn quan trọng nữa. Chúng ta có chung nỗi đau và mất mát”, Coates nói.

Năm 2004, Coates dừng hẳn công việc làm cảnh sát do bị đau tim. Ông dành toàn bộ thời gian cho Ủy ban POW/MIA của VVA. Đến 2015, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban này.

Chuyến trở lại Việt Nam lần đầu tiên của Coates diễn ra vào năm 2005. Ông tham gia đoàn đến Hà Nội để trao đổi về POW/MIA.

“Tôi đã rất lo lắng, không biết mình trông đợi gì nữa”, Coates nói về tâm trạng hồi hộp khi đó.

Nghi ngại của Coates nhanh chóng được xóa tan, khi những người từng ở bên kia chiến tuyến chào đón ông bằng thái độ thân thiện và lịch thiệp. Coates không còn “nhìn, nghe hay ngửi thấy mùi của chiến tranh nữa”. Ông nhận ra những người lính, là cựu thù, có sự đồng cảm lớn khi thực hiện phận sự được giao, cùng mang những vết thương trên cơ thể và trong cả tâm trí.

Từ 2005 đến nay, Coates có 6 chuyến công tác tại Việt Nam, hành trình trải dọc từ Hà Nội đến Huế, Đà Nẵng, TP HCM và Bến Tre. Ông gọi các cựu chiến binh Việt Nam là “những người bạn già của tôi”, vì họ dành phần lớn thời gian nói về con cháu khi gặp gỡ. Có người khoe con đã trưởng thành, kết hôn, có người khoe cháu đang học đại học ở Mỹ, sắp trở về Việt Nam.

Tính đến tháng 7/2019, hơn 670 hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh được đưa về Mỹ, hơn 1.580 người chưa được tìm thấy, theo VVA. Ngược lại, VVA đã cung cấp hơn 300 hồ sơ, hỗ trợ Việt Nam tìm trong tổng số khoảng 15.000 người mất tích.

Việc tìm kiếm lính Mỹ mất tích ở Việt Nam ngày càng khó khăn hơn khi các địa điểm từng là chiến trường thay đổi. Việt Nam xây dựng nhiều cầu, đường và các cơ sở hạ tầng khác để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Các cựu binh Mỹ cũng dần qua đời do tuổi cao. Coates cho rằng trong 5 năm tới, VVA sẽ chủ yếu dựa vào tư liệu của các gia đình người Mỹ để tìm thông tin lính mất tích.

“Chúng tôi vẫn nỗ lực hết sức, để tìm thấy nhiều nhất có thể, đưa hài cốt lính Mỹ về quê hương”, ông nói.

Mỗi chuyến đi của Coates đến Việt Nam giờ đây không chỉ tập trung vào các hồ sơ MIA, mà ông còn háo hức chứng kiến sự thay đổi từng ngày của Việt Nam. Ông vui mừng khi thấy hàng nông sản của Việt Nam, chủ yếu từ miền nam, nơi ông từng đóng quân, chiếm thị phần lớn trên thế giới; hạ tầng giao thông, du lịch của Việt Nam được đầu tư. Coates mong Việt Nam và Mỹ duy trì đà hợp tác mạnh mẽ thời gian tới, khi hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay. Ông cũng mong Việt Nam xử lý thỏa đáng được các vấn đề an ninh, trong đó có tranh chấp Biển Đông.

Tình cảm sâu sắc của Coates dành cho Việt Nam cũng “lan tỏa” trong gia đình. Vợ ông luôn ủng hộ công việc của chồng từ những ngày đầu Coates tham gia VVA. 5 người con và 9 đứa cháu của ông hiểu rằng cựu chiến binh hai bên hợp tác vì hai nước đều muốn hướng đến tương lai. Các thành viên trong gia đình ông cũng luôn mong chờ những món quà Việt Nam ông đem về.Trong chuyến đi vào tháng 2/2020, trước khi các nước chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Coates đã kịp đem theo hạt tiêu, gừng, chè và cafe từ Việt Nam về.

“Tôi yêu thích cảm giác pha một tách trà, ngồi bên cửa sổ và nghĩ về những việc mình đang làm cùng bạn bè ở Việt Nam”, Coates nói.

vva 2

Coates, đại diện VVA tặng quà cho phụ nữ có con nhiễm chất độc da cam ở Đà Nẵng năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguồn: Vnexpress

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ