Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Phim cổ trang là cuộc chơi xa xỉ, không đầu tư được thì đừng làm!

Phim cổ trang đòi hỏi phải được đầu tư đúng mực vì nếu đầu tư hời hợt thì không thể nào ra được màu cổ trang đúng điệu. Mà chi phí để làm phim cổ trang lại luôn thuộc hàng nhất nhì, nhất là khoản chi phí phải bỏ ra cho bối cảnh và phục trang. Nhưng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, người đã thành công vang dội với “Lô Tô” và phim cổ trang chuẩn Việt được nhắc đến nhiều nhất “Phượng Khấu” lại chọn cổ trang làm cuộc chơi của mình. 

Cùng gặp gỡ đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và tìm hiểu sâu hơn về hành trình đi cùng phim cổ trang của anh nhé!

241ef2a5a28b6ed5379a

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, người tạo nên thành công của “Lô Tô”, “Phượng Khấu”…

  • Xin chào đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và chúc anh cùng gia đình năm mới vui vẻ, vạn sự như ý. Trước tiên, anh có thể chia sẻ cho độc giả được biết mùa Tết này của anh đã trôi qua như thế nào được không?

Phải nói rằng Tết vừa rồi là một cái Tết có ý nghĩa và đáng nhớ đối với tôi. Đây là lần đầu tiên tôi ăn Tết ở Mỹ.

Đón Tết xa nhà đến nửa vòng trái đất nhưng tôi vẫn thấy không khí Tết Việt rất rộn ràng. Người Việt ở Mỹ vẫn giữ nguyên những tục lệ đón Tết cổ truyền và vẫn nấu những món ăn đặc trưng của Tết Việt trong dịp này.

Tôi ở nhà ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung và hưởng trọn vẹn hương vị Tết Bắc cùng các anh chị em nghệ sĩ. Những món ngon do mẹ chị nấu mang đậm hương vị quê hương càng làm tình hoài hương của những người nghệ sĩ xa xứ thêm sâu đậm.

  • Hiện tại, anh đã bắt đầu trở lại với công việc chưa?

 Trong thời gian các dự án tôi đang thực hiện ngưng trệ vì dịch, khâu tiền kỳ cho dự án cổ trang “Huyết Rồng” vẫn duy trì. Tôi vẫn làm việc online suốt thời gian giãn cách. Tháng 3 này, tôi sẽ trở lại Việt Nam và bắt đầu bước giai đoạn chạy nước rút cho “Huyết Rồng” đồng thời ra mắt series “Biệt đội săn thợ săn” của Hoa Hậu Hằng Nguyễn.

Năm 2022 của tôi chắc chắn sẽ rất bận rộn với những kế hoạch còn dang dở và những dự án mới xếp hàng. Thú thật đôi khi tôi cũng thấy quá tải, nhưng Tổ nghiệp còn thương thì tôi cũng như các nghệ sĩ cũng sẽ cố gắng hết sức mình. 

  • “Huyết Rồng” là dự án đang được khán giả rất kỳ vọng. Anh đã hoàn thành bao nhiêu phần của dự án và đã ấn định ngày ra mắt chưa? Ngoài việc phải thay đổi lịch trình do dịch, anh còn gặp khó khăn gì khi thực hiện “Huyết Rồng” không? Kinh phí chẳng hạn?

Dự án “Huyết Rồng” đã phải ngưng trệ 2 lần vì sự cố bất khả kháng. Lần đầu là do đại dịch bùng lên vào giữa năm 2021 ở khu vực phía Bắc, nơi đoàn phim chọn làm bối cảnh chính. Lần kế tiếp là do chúng tôi chưa ưng ý về phục trang nên phải thay đổi và làm lại nhiều thứ. 

Và kinh phí đúng là yếu tố khiến tôi thực sự đau đầu. Làm phim cổ trang cơ bản đã khó đủ đường rồi, làm phim trong trạng thái bình thường mới sau dịch là một thách thức rất khủng khiếp. Kinh phí cao, đội vốn, phát sinh nhiều thứ vượt giá sau dịch… khiến tôi có lúc gần như tuyệt vọng. May mắn có nhà đầu tư thấu hiểu và ê-kíp tận tình hỗ trợ, anh em nắm tay nhau rồi dựa vào nhau mà đi tiếp.

Nghe có vẻ thê thảm, nhưng thực tế còn cam go hơn những gì tôi kể rất nhiều (cười).

Tiếp tục sau dịch với nghề phim đồng nghĩa với việc làm lại từ đầu. Nhưng tôi tin không có thành công nào dễ dàng hết. Tôi cũng tin rằng cứ làm hết sức mình ắt sẽ được đền đáp. 

766c7004512a9d74c43b

Phối cảnh Kinh đô Hoa Lư 1005 trong “Huyết Rồng” do 3D Art thực hiện

  • Phim cổ trang đòi hỏi kinh phí phải rất cao, anh có nghĩ việc đầu tư làm một sản phẩm có quy mô lớn như thế trong thời điểm này là mạo hiểm?

Bản thân tôi cũng đã hỏi phía nhà đầu tư câu hỏi này và cuối cùng đôi bên đều quyết định là làm thôi. Đối với dòng phim cổ trang, tôi xác định huề vốn là đã thành công rồi.

Trước đây, tôi đã từng vụng về và mắc một vài lỗi khi làm “Phượng Khấu”. Nhưng cũng rất nhiều lần tôi khẳng định “Phượng Khấu” chỉ là viên gạch lót đường. Đường còn rất dài và gian nan, vừa làm vừa học, sai thì sửa. Chỉ sợ không chịu làm, không dám làm, sợ sai. Sau “Phượng Khấu”, tôi và ê-kíp học được rất nhiều bài học quý giá. Từ những kinh nghiệm đó, chúng tôi đã tạo ra một lộ trình bài bản, chuyên nghiệp và ít rui ro hơn cho “Huyết Rồng”.

Đầu tư vào một dự án mà chỉ mong huề vốn là thành công thì đúng là mạo hiểm thật. Nhưng tôi cùng ê-kíp vẫn xem đó là một thử thách đáng để cố gắng vượt qua. “Huyết Rồng” được thực hiện với phương pháp sản xuất mới. Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian cho lộ trình khai thác sản phẩm công nghiệp văn hóa trước, trong và sau bộ phim. Nhà đầu tư cũng thấy được sự thay đổi đó nên đã quyết định cùng chúng tôi dấn thân vào cuộc chơi mạo hiểm này.

  • Anh có thể tiết lộ con số cụ thể kinh phí đầu tư cho “Huyết Rồng” cũng như “Phượng Khấu” trước đó được không?

 Chúng tôi xin được giữ bí mật thông tin này vì quyền lợi của nhà đầu tư. Tôi chỉ có thể nói rằng “Huyết Rồng” là phim võ thuật pha chút kinh dị nên chắc chắn kinh phí phải từ ngang bằng đến hơn “Phượng Khấu.

  • Vì sao anh lại chọn thời khắc chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý làm chất liệu cho “Huyết Rồng”?

Chúng tôi biết rằng khi ra mắt, “Huyết Rồng” chắc chắn sẽ tạo ra tranh cãi vì bản thân cuộc đời của Vua Lê Long Đĩnh đến thời điểm hiện nay vẫn là còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp và tạo ra những cuộc tranh luận không dứt. Vì vậy, chúng tôi chọn cách hư cấu và phóng tác, để rộng đường đưa quan điểm của chúng tôi đến với công chúng. Chúng tôi không bênh vực hay minh oan vì bộ phim không đủ sức, cũng như chúng tôi không phải là những nhà nghiên cứu, bộ phim không phải là công trình sử học nên chỉ dừng lại ở việc gợi mở một hướng nhìn về những vết mờ ảo được ghi lại chưa thuyết phục về vị vua này.

Vì sao một ông vua khoẻ mạnh giỏi võ xông pha trận tuyến trước đó vài tháng bỗng đột ngột ngọa triều” dò hoang dâm quá độ? Vì sao một ông vua có công trong việc thỉnh đại tạng kinh Phật mà lại róc mía trên đầu nhà sư? Vai trò của Lý Công Uẩn – Sư Vạn Hạnh trong cuộc chuyển giao quyền lực này quan trọng như thế nào? Và cái chết của vua Lê Long Đĩnh có gì uẩn khuất hay không?

Từ những câu hỏi này, bộ phim sẽ đưa ra kiến giải dưới góc nhìn hư cấu về vị vua này.

  • Trước đây, “Phượng Khấu” nhận được rất nhiều lời khen về bối cảnh, trang phục, tạo hình và dàn diễn viên chất lượng nhưng nội dung lại bị đánh giá là không ấn tượng. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Bây giờ tôi vẫn khẳng định, “Phượng Khấu” chỉ là viên gạch lót đường cho dòng phim cổ trang đương đại sẽ phát triển tất yếu trong tương lai. Còn nhiều khiếm khuyết, tay nghề chưa cao. Nhưng “Phượng Khấu” mãi mãi là niềm tự hào của toàn bộ ê-kíp vì những điều mà nó đã làm được: Góp phần khơi dậy lòng yêu nước, truyền cảm hứng yêu mến và tìm hiểu lịch sử dân tộc, thay đổi lớn trong nhận thức về văn hoá lịch sử dân tộc Việt Nam, nhất là vào thời đại Nhà Nguyễn. “Phượng Khấu” còn tạo nên phong trào may và mặc phục sức truyền thống, bổi dưỡng tình yêu văn hóa Việt của giới trẻ. Tôi nghĩ tôi và ê-kíp đã có một sự dấn thân, hy sinh xứng đáng đối với “Phượng Khấu”. 

Cái gì ban đầu cũng thiếu sót cả, nhưng không vì thiếu sót mà dừng lại và đúng nhất là phải tiếp tục. Thiếu sót đó cũng là kinh nghiệm để những bộ phim đi sau mình cố gắng làm tốt hơn.

Tôi thường nói, chê khen là chuyện bình thường với một tác phẩm. Quan trọng là mình có tiếp thu những lời khen chê đó hay không. Tôi mong những lời khen chê đối với “Phượng Khấu” cũng trở thành kinh nghiệm cho những người theo đuổi dòng phim cổ trang về sau khai thác chất liệu này tốt hơn.

179076b3579d9bc3c28c

“Phượng Khấu” là phim cổ trang chuẩn Việt được nhắc đến nhiều nhất từ trước đến nay

  • Sau rất nhiều dự án cổ trang gây thất vọng, khán giả Việt đã mất niềm tin và ngày càng khó tính hơn với dòng phim này. Anh có tự tin mình có thể bứt phá và thành công với cổ trang hay không?

Tôi không dám nói trước. Lời cam kết rất ngắn và dễ nói ra, chỉ nằm trong hai chữ “được” hoặc “không”. Tôi chỉ có thể khẳng định có tiền tới đâu tôi sẽ làm hết sức tới đó. Tôi cũng không đặt nặng vấn đề phim có thành công vang dội hay không, quan trọng là sau mỗi tác phẩm như thế, khán giả thêm yêu lịch sử và văn hóa cội nguồn. Đó mới là điều tôi thật sự quan tâm.

  • Nền điện ảnh châu Á phát triển rất mạnh những năm gần đây. Nhưng khi phim Hàn liên tục gây sốt toàn cầu, phim Trung – Thái – Nhật cũng phổ biến rộng khắp thì phim Việt vẫn chưa thực sự để lại dấu ấn ở thị trường quốc tế. Theo anh, phim Việt thiếu gì để có thể bứt phá được ở thị trường quốc tế?

Chuyến đi dự Liên hoan phim Á châu vừa rồi, tôi nhận ra cái thiếu đầu tiên và quan trọng chính là sự liên kết của Việt Nam với các giải thưởng. Điển hình trong hầu hết các Liên hoan phim lớn của thế giới đều có bóng dáng nhân sự nước họ hoạt động trong khâu tổ chức hoặc tham gia sản xuất. Bạn muốn người ta hiểu sâu, chơi thân, đến gần thì trước tiên bạn phải ít nhiều có giao kết, liên hệ và làm việc chặt chẽ. Không phải chúng ta không có nhưng người Việt còn quá ít trong các thiết chế thuận lợi để tranh thủ quyền lợi và cơ hội giới thiệu phim Việt. Tất nhiên bạn phải có một bộ phim hay nhưng nếu có thêm những liên kết sâu sắc thì sẽ dễ tiếp cận với các cơ hội hơn. 

Điều quan trọng không kém đó là tiền, phim cổ trang là cuộc chơi xa xỉ, không thật sự đầu tư đúng mức không thể ra được màu cổ trang. Và nói thực, nếu không đầu tư được tốt nhất đừng làm. 

Cuối cùng là nhân sự cho ngành phim cổ trang như hoá trang, trang phục, thiết kế và các bộ phận khác phải ít nhiều hiểu biết lịch sử. Điều này không tự nhiên mà có mà phải là một quá trình, nên với tốc độ sản xuất, điều kiện khó khăn, thời gian đầu tư nghiên cứu thì ngó chừng còn rất lâu để có một ê-kíp đồng bộ đủ sản xuất phim cổ trang – dã sử. Ai trong chúng ta chịu đọc lịch sử ? Chúng ta có đủ kiên nhẫn và dành thời gian để đọc, học sử trước khi bắt tay sản xuất một bộ phim? Trả lời được, sẽ thấy ngõ cụt nằm ở đâu ?

  • Anh có tham vọng sẽ mang phim Việt đến những lễ trao giải lớn nhất hành tinh không? Và anh nghĩ phim Việt có khả năng chiến thắng ở những “đấu trường” lớn thực sự chứ?

Tham vọng thì  có còn tôi thì chưa dám mơ. Chỉ dám nói từ hướng cá nhân thôi. Tôi khát khao mỗi ngày, khó lắm nhưng tôi sẽ cố gắng.

992817bd3693facda382

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vinh hạnh nhận giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim châu Á 2021

  • Trong số những phim anh đã từng cho ra mắt, anh hài lòng nhất với phim nào? Vì sao?

“Phượng Khấu”, vì sức ảnh hưởng của một bộ phim lên đời sống rất rỏ ràng. Nếu “Lô Tô” tôi làm một bộ phận khán giả có cái nhìn dễ chịu hơn về giới LGBT và nghề lô tô thì “Phượng Khấu” góp phần tự tôn dân tộc thông qua trang phục, người trẻ ít mặc đồ tàu và nhận ra Việt Phục đẹp. Chừng đó thôi đã là hạnh phúc với tôi.

  • Ngoài “Huyết Rồng”, anh còn ấp ủ dự định nào khác trong năm 2022?

Vẫn là 1 con đường duy nhất, khai thác văn hoá lịch sử con người Việt Nam. Tôi làm xong Huyết Rồng để kể về  lát cắt văn hoá lịch sử Tiền Lê và sau đó có thể đến nhà Lý. Mỗi phim tôi chọn một triều đại.

  • Cám ơn anh vì buổi trò chuyện cùng những tin tức thú vị anh chia sẻ với độc giả.

Phainon Lib

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ