Đường về quê ngoại

Bảy chiếc cầu bê tông kiên cố được các nhà hảo tâm tài trợ vừa xây xong, đường vào nhà ngoại tôi xe máy đã có thể bon bon đến tận nhà, không phải lụy ghe, nương theo con nước như ngày trước nữa…

Quê ngoại tôi thuộc diện vùng sâu của huyện, chuyên canh trồng cây ăn trái. Nơi này vẫn còn thưa nhà dân, mỗi nóc nhà được bao bọc bởi vườn cây ăn trái rộng và ngăn cách bởi các con mương, nhánh sông nhỏ. Thiệt không quá khi ví nhà ngoại tôi như một ốc ảo đảo nhỏ, mỗi nhà là một ốc đảo. Người dân muốn di chuyển từ ốc đảo này đến ốc đảo khác chỉ bằng duy nhất một phương tiện: ghe, hoặc là bơi tay bằng dầm hoặc là ghe gắn máy.

nha ngoai 3
Đường vào nhà ngoại

Hồi đó, mỗi lần về quê ngoại, chúng tôi chỉ chạy xe được đến nhà bà Năm hoặc ông Tám, rồi gửi xe, ngồi ở bến ghe chờ ngoại hoặc cầu bơi ghe vô rước. Đó là hai bến ghe ngoại tôi thường lên xuống. Ở bến ghe ông Tám thì ngoại bơi vào đón chúng tôi sẽ gần hơn nhưng bến khó xuống, không cẩn thận là bước hụt bụp dừa nước té sông như chơi. Bến ghe bà Năm thì xa hơn nhưng xuống bến dễ dàng hơn. Sau này khi có điện thoại liên lạc còn đỡ, khi đến bến ghe, chỉ cần alo một cú điện thoại là tầm 15 – 20 phút sau ngoại đã vào đón. Hồi khi chưa có điện thoại, mẹ con chúng tôi thường mượn ghe của bà Năm hoặc ông Tám, rồi bơi vào nhà ngoại, sau đó ngoại và mẹ tôi, mỗi người một ghe, sẽ bơi ngược ra trả ghe cho ông bà.

nha ngoai 1
Đường vào nhà ngoại

Đường vào nhà ngoại tuy bất tiện là vậy, chưa kể tốc độ và thời gian bơi ghe nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nước ngược hay nước xuôi, lên xuống bến còn phụ thuộc con nước lớn hay ròng, nhưng đường vào nhà ngoại rất đẹp. Dòng nước đục màu phù sa lững lờ trôi với hai bên là hai hàng dừa nước xanh mướt mắt, thả dáng cong cong ôm theo đôi bờ, thỉnh thoảng xen vài cây bần de hoặc bụi ô rô. Tôi thích nghịch nước nên hay thả tay xuống sông cho nước chảy qua kẽ tay, có khi vớt được cây lục bình hoặc nhánh dầm là kéo theo ghe, nhìn con sóng liu riu được chúng tạo nên cũng thích mắt.

z3339104154421 128c1da12e8e03d0d6e9e3608384ab1f
Cổng thưa

Cảm giác đến gần nhà ngoại khiến tôi luôn háo hức đến lạ, ngôi nhà trên bến sông dần hiện ra, thấp thoáng sau hàng dừa nước, từ nho nhỏ rồi dần dần hiện ra thiệt to rõ, quen thuộc, thân thương làm sao. Nhất là những khi ra nhà ngoại khi nước ròng, mực nước gần chạm đáy sông, cảm giác như ngôi nhà ngoại rất to, rất cao, vững vàng một cách kỳ lạ. Để có thể bước lên được ngôi nhà cũng không hề dễ dàng vì phải men theo bụp dừa nước chuyền từ dưới sông lên. Với tụi con nít chúng tôi khi ấy, chân ngắn mà chuyền bước dài như người lớn thì quả là căng hai chân hết cỡ. Nhưng cảm xúc ấy mãi sau này tôi không còn cảm nhận được nữa, khi có cây cầu nối nhịp hai bờ sông…

z3339104172128 b17d27c0e2cf43b7277ce4f2e3150e02
Khoảng sân trước nhà ngoại
z3339104156828 1031ede8145b5da122980349f56d81be
Gốc nguyệt quế bên hiên nhà

Tôi nhớ hồi học cấp hai, nghỉ Hè đều được cha mẹ cho lên ngoại ở chơi với mấy đứa em họ con cậu suốt mấy tháng. Khi đó cậu Sáu tôi chưa có gia đình và vẫn còn ở cùng với ngoại. Cậu làm thầy giáo, có những hôm đi làm về rất tối. Tôi và thằng em họ cùng tuổi được ngoại phân công bơi ghe vô bến ông Tám đón cậu về. Hai chị em xách đèn pin bơi ghe đi đón cậu nhưng vừa run vừa sợ ma. Ở miệt vườn tầm 8 giờ tối là trời tối mịt, trời nước một màu, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng kêu của con bìm bịp hoặc thấy lác đác vài con đom đóm lập lòe trên mấy nhánh bần de. Thằng em họ nói huyên thuyên suốt dọc đường cho đỡ sợ, nhưng tôi vẫn rất run, mặc nó bơi ghe một mình, tôi ngồi sát rạt ngay đầu ghe nó chẳng dám nhìn ngó lung tung. Vào đến bến chờ cậu về, khi thấy bóng cậu bước xuống ghe hai đứa mới thở ra nhẹ nhõm. Sau này có gia đình, cậu Sáu mua đất cất nhà bên này sông nên không còn phải lụy ghe nữa. Chị em chúng tôi cũng không phải trải qua những tối ớn sống lưng ấy nữa.

z3339104181272 fef2c9ed20a0f14dee3abd311e881717
Gian nhà xưa…
z3339104160131 a0ce6d4cf644f678da5993bb158c8916
… nằm nghe nắng mưa

Tầm 10 năm trước, các nhà hảo tâm về xây cho quê ngoại tôi cây cầu bê tông thiệt to nối liền đôi bờ sông. Từ đó, các hộ dân trong ấp cùng nhau góp thân dừa, thân cau để làm cầu tạm bắc qua các con mương, nối liền các vườn trái cây làm đường đi. Mỗi lần về ngoại, chúng tôi đã có thể tự đi bộ vào nhà mà không cần phải gọi ngoại vào rước hay lo nước lớn nước ròng. Đường vào nhà ngoại đã thuận tiện hơn, nhưng tôi cảm thấy có chút mất mát, mất đi cảm giác háo hức khi nhìn thấy ngôi nhà của ngoại từ dưới bến ghe ngó lên. Ngoại tôi cũng không còn bơi ghe nữa. Phần vì tuổi tác đã cao, phần vì cũng chẳng cần ghe di chuyển đi đâu nữa nên ngoại cho chiếc ghe 3 lá lại cậu Ba sử dụng để đi đặt lợp hay đi chày cá, bắt hến.

z3339104159638 b2281ec7b12e41f1272f4ee0653fcae5
Hàng cau trong vườn ngoại
z3339104167989 048879264f6634cf8dd8ce338c56f5d7
Hàng dừa nước xanh xanh uốn quanh đôi bờ sông

Năm nay các cây cầu đan nhỏ, cầu tạm bằng thân dừa, thân cau được thay thế hoàn toàn bằng cầu bê tông rộng rãi, kiên cố do các nhà hảo tâm đóng góp trao tặng. Với những nơi xa hơn, như nhà ngoại tôi, các hộ dân gần nhau tự góp với nhau xây cầu bê tông để lưu thông được thuận tiện hiện. Con đường xuyên qua các vườn trái cây cũng được thổi cát chắc chắn hơn. Xe máy đã có thể chạy vào tận nhà ngoại, thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Quê ngoại tôi đã không còn là vùng sâu khó tiếp cận nữa, ghe cũng không còn là phương tiện độc tôn nữa. Biết rằng giao thông thuận tiện sẽ dễ dàng cho ngoại và mọi người nhưng tôi chẳng thấy vui mấy. Phải chăng vì ký ức tuổi thơ đã in sâu những điều giản đơn nhưng đẹp đẽ đó? Hay bởi những đổi thay nào cũng phải có mất mát của chính nó? Tôi nhớ con đường ghe ngày xưa vào nhà ngoại biết bao! Con đường hữu tình có bóng hàng dừa nước cong cong xanh mướt đôi bờ, có dòng nước liu riu hiền hòa chảy và bóng những chiếc ghe 3 lá lướt êm trên dòng sông, thỉnh thoảng gặp nhau, mọi cười đều mỉm cười chào hỏi “mới lên hả cô Hai?”, “anh Ba đi đặt về lợp hả? Được bộn không anh?”…

DT

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ