Người châu Phi đổ xô tích trữ đồ phòng Covid-19

Những người dân lo lắng đổ xô đến các siêu thị khắp châu Phi để tích trữ nhu yếu phẩm, khi Covid-19 lan đến lục địa nghèo nhất thế giới.

“Cứ như mọi người đang chuẩn bị cho chiến tranh vậy”, một chủ cửa hàng tại khu chợ ở thủ đô Kigali, quốc gia ở Đông Phi Rwanda, bày tỏ sự kinh ngạc khi thấy người dân đeo khẩu trang và găng tay tranh nhau mua gạo, dầu ăn, đường và bột mỳ.

Ông cho biết giá gạo Tanzania đã tăng từ 27.000 francs (29 USD) lên 30.000 francs cho mỗi túi 25 kg, trong khi giá gạo Pakistan tăng từ 22.000 francs (23 USD) lên 28.000 francs. Ông đổ lỗi cho các nhà buôn tăng giá.

“Giá tăng nhưng họ vẫn mua”, ông nói thêm, từ chối tiết lộ tên vì sợ thanh tra thị trường.

320201812812840327917 2708 1584497382

Một người bán hàng đeo khẩu trang tại chợ Kimironko, thủ đô Kigali, Rwanda hôm 17/3. Ảnh: Reuters

Ban đầu, châu Phi dường như miễn nhiễm khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nCoV lây lan ra toàn cầu, châu Phi tháng này cũng phát hiện một loạt trường hợp dương tính và chính phủ các nước trong khu vực đang tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh.

Hơn 400 ca nhiễm nCoV đã được ghi nhận tại ít nhất 30 quốc gia châu Phi, trong đó có 7 ca ở Rwanda. Với nhiều người châu Phi nghèo khổ, mua đồ tích trữ là đặc quyền mà họ không bao giờ có được.

“Người giàu không ngại giá cao. Họ mua đồ với số lượng lớn”, Pascal Murengezi, 43 tuổi, một người đàn ông có 3 con làm nghề bán quần áo cũ trước chợ Nyarugenge ở Kigali, nói. Ông cho hay mình còn không đủ tiền để mua thức ăn cho một ngày.

“Nếu dịch bệnh tiếp diễn, tôi không biết mình sẽ làm thế nào để bán quần áo trên những đường phố vắng bóng người”, Murengezi nói.

Bộ trưởng Thương mại Rwanda hôm 16/3 tuyên bố niêm yết giá của 17 loại lương thực phẩm chủ lực, bao gồm gạo, đường và dầu ăn, nhưng không cho biết hình phạt với những người có hành vi đẩy giá.

Beatrice, 52 tuổi, một phụ nữ thất nghiệp và có một con, cho hay bà chỉ có thể mua lượng gạo tối thiểu.

“Bạn không thể nhìn con mình chịu đói”, Beatrice nói. “Chúng tôi không biết khi nào nCoV sẽ dừng lại. Nếu có đủ tiền, tôi sẽ mua nhiều đồ ăn hơn nữa”.

Kenya, cường quốc kinh tế ở Đông Phi, cũng chứng kiến cảnh người dân “càn quét” các siêu thị sau khi báo cáo ca nhiễm nCoV đầu tiên hôm 13/3. Chỉ trong vài phút, những khách hàng tại siêu thị cao cấp Carrefour, gần tòa nhà Liên Hợp Quốc ở thủ đô Nairobi, đã đẩy các xe hàng chất đầy giấy lau, chất khử trùng và những mặt hàng chủ lực như gạo và sữa có hạn sử dụng dài.

Tusky’s, một siêu thị khác ở Kenya, kêu gọi khách hàng không hoảng loạn và tuần này đã tung ra dịch vụ giao hàng tận nhà.

Untitled 2 7523 1584497383

Nhân viên y tế khử trùng khu dân cư nơi người nhiễm nCoV đầu tiên của Kenya sinh sống, tại thị trấn Rongai gần thủ đô Nairobi, hôm 14/3. Ảnh: Reuters

Giống như Rwanda, Kenya đã thực hiện các biện pháp để bình ổn giá hàng hóa. Cơ quan thị trường của nước này thậm chí yêu cầu chuỗi siêu thị Cleanshelf Supermarkets hoàn tiền cho các khách hàng đã mua nước rửa tay giá cao. Trong khi đó, công ty này đổ lỗi cho một nhân viên tự ý tăng giá.

“Sự việc gần đây là không thể chấp nhận được và chúng tôi rất xin lỗi”, Veronica Wambui, trưởng bộ phận bán hàng và marketing, cho hay trong một thông cáo của công ty đăng trên Twitter.

Từ Nam Phi đến Senegal, dòng người cũng xếp hàng rồng rắn ngoài các cửa hàng để tích trữ những thứ như nước khử trùng và mỳ ống.

“Thật điên rồ. Gần như không còn gì trên kệ”, bà Barbara Ollerman, 68 tuổi, đã nghỉ hưu, nói khi xếp gạo vào xe đẩy ở siêu thị Woolworths tại thành phố Johannesburg, Nam Phi.

Sihle Qalinge, thu ngân tại siêu thị Checkers gần đó, cho biết cô phải lén rời quầy làm việc để đi mua giấy vệ sinh. Cô đã tìm mua mặt hàng này từ hôm 15/3.

Anna, quản lý siêu thị ở thủ đô Dakar, Senegal, cho hay doanh số đã tăng gấp đôi kể từ cuối tuần qua. Nước rửa tay cháy hàng và các nhà cung cấp đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu.

“Mặt hàng được mua nhiều nhất là mỳ ống, mọi người đã mua hết sạch!”, cô nói, thêm rằng giá cả vẫn giữ nguyên, dù nhiều khách hàng tuyệt vọng không mấy bận tâm.

Nguồn: vnexpress

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ