Ông Mario Mendis, Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Saigon Plaza đã có buổi trò chuyện thú vị cùng LAVYON về ngành khách sạn và ẩm thực Việt Nam.
- Xin chào ông Mario Mendis, Tổng Quản lý Khách sạn của Sofitel Saigon Plaza. Được biết, ông đã bắt đầu sự nghiệp trong ngành khách sạn với công việc đầu tiên ở Úc. Công việc này là gì và cơ duyên đưa ông đến với công việc này như thế nào?
Tôi bắt đầu sự nghiệp vào 24 năm trước ở Brisbane, Úc. Tôi vào nghề với vị trí rửa chén dĩa tại Carlton Crest.
Ba tôi cũng làm trong ngành khách sạn. Từ nhỏ, tôi đã theo ông đến các khách sạn ở châu Âu và Trung Đông khi ông đến những nơi này làm việc. Tôi may mắn được sống trong môi trường khách sạn từ nhỏ và đam mê được khám phá mọi thứ về khách sạn. Vì thế, tôi đã quyết định theo ngành này.
Khi tôi bắt đầu đi làm, ba tôi từng khuyên tôi rằng, hãy bắt đầu từ những vị trí thấp nhất rồi tiến lên để hiểu tường tận cách vận hành của từng khía cạnh khác nhau của ngành khách sạn. Và tôi đã làm theo lời khuyên đó, từ rửa chén dĩa cho đến phục vụ, nhân viên sảnh đến giám sát, sau đó là quản lý. Hành trình này không chỉ cho tôi những trải nghiệm đáng giá mà còn giúp tôi tự tạo ra nhiều giá trị cho riêng mình để phát triển hơn trong ngành.
- Có thể thấy, trong sự nghiệp của ông, ông đã làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều này là do “tình thế bắt buộc” hay vì bản thân ông thích như vậy?
Tôi đã đi qua 6 quốc gia khác nhau và tôi cảm thấy đó là một hành trình rất đáng giá. Tôi thường nói với học trò của mình rằng, đừng nhảy việc mà hãy tìm công việc có thể đưa bạn đến nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới. Khi bạn làm việc ở nhiều nước khác nhau, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều con người và văn hóa khác nhau. Từ đó mà bạn cũng sẽ có kinh nghiệm phong phú hơn để tiến vào thị trường quốc tế.
- Nếu được chọn chỉ 1 nơi để sống và làm việc ổn định lâu dài, ông sẽ chọn nơi nào?
Tôi yêu Việt Nam. Và đây là nước tôi ở lại lâu nhất, tính đến nay đã 7 năm. Tôi rất thích Đà Nẵng, Hội An và khu Lăng Cô. Riêng đối với Đà Nẵng, là một golfer, tôi nghĩ rằng Đà Nẵng là một trong những nơi có sân golf đẹp nhất thế giới. Tôi thích sự sống động của thành phố này, từ ẩm thực, cảnh vật hay con người ở đây đều khiến tôi rung động.
- Còn về ẩm thực nói chung của Việt Nam, ông có cảm nhận gì về nền ẩm thực của chúng tôi?
Ẩm thực Việt Nam thật sự rất đặc biệt. Hải sản trải dài từ Nam ra Bắc, mỗi tỉnh thành lại có những món đặc sản riêng, mỗi món ăn lại có hương vị và kết cấu hoàn toàn riêng biệt. Tôi thích nhất là món cao lầu ở Hội An.
- Vừa qua, tổ chức Michelin đã chính thức công bố 4 nhà hàng được gắn sao và Michelin Guide. Ông đánh giá thế nào về các hạng mục được công bố trong lần đầu tiên này?
Michelin tôn trọng kỹ năng thực tế và đã thể hiện sự sành sỏi của mình trong việc tìm ra những quán ăn có những món ăn ngon nhất. Điểm đến yêu thích của tôi, nhà hàng Đông Phố cũng nằm trong danh sách Michelin Guide. Michelin đã tạo ra một xu hướng marketing tuyệt vời và đây là cơ hội rất lớn dành cho ngành ẩm thực Việt Nam.
- Đối với ông, một trải nghiệm ẩm thực hoàn hảo nhất phải bao gồm những yếu tố nào? (Ngon miệng, đẹp mắt, sạch sẽ, không gian sang trọng… có dư hoặc thiếu gì nữa không?)
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ phải thật sự tốt. Dù người đầu bếp có tạo ra món ăn ngon đến mấy mà dịch vụ mang đến trải nghiệm không tốt, mọi thứ đều có thể thất bại.
Đối với Sofitel Saigon Plaza, nơi tôi đang làm việc, chúng tôi luôn cố gắng hết sức để tạo nên bầu không khí hoàn hảo nhất cho bữa ăn của khách hàng, khiến họ muốn quay trở lại và giới thiệu rộng rãi đến những người khác.
- Có ý kiến cho rằng, ngành khách sạn và F&B hiện tại đã không còn là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ sau khi tốt nghiệp cấp 3 nữa. Theo quan sát của ông, đánh giá này có đúng với thực tế không? Nếu đúng, theo ông, nguyên nhân là vì đâu?
Thật ra, đây không phải là ngành ai cũng có thể kiếm được nhiều tiền. Muốn làm được điều đó, bạn phải càng ngày càng phát triển. Ngành khách sạn là thị trường rất đáng để dấn thân vào, nhưng bắt buộc bạn phải có được 3 yếu tố là niềm đam mê, sự kiên trì và tính nhẫn nại. Nếu giữ được 3 yếu tố này, bạn chắc chắn sẽ đi rất xa trong sự nghiệp.
Riêng tại Sofitel Saigon Plaza, chúng tôi còn đề cao thái độ và nhân cách của nhân viên. Chỉ cần có thái độ và nhân cách tốt, chúng tôi sẽ ra sức đào tạo và tạo đà phát triển cho họ.
- Đối với Sofitel Saigon Plaza, nơi ông đang giữ chức vụ Tổng quản lý, có bao giờ nơi này gặp khủng hoảng vì thiếu nhân sự không? Cụ thể tình huống đó là gì?
Không chỉ ngành khách sạn, mà các ngành khác trên toàn thế giới cũng từng gặp tình trạng này trong thời điểm Covid. Sau dịch, nhiều người lao động đã chuyển từ ngành dịch vụ sang các công việc có tính thương mại hơn. Chúng tôi đã đối diện với thách thức rất lớn khi tìm người mới làm việc cho thị trường này.
- Cộng sự cũ của ông, Tod Williams đã nhận xét về ông là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng. Trong suy nghĩ của ông, hình ảnh của một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng là như thế nào? Nếu tự đánh giá, ông nghĩ mình đã chạm vào được hình ảnh đó chưa?
Khi bạn trở thành lãnh đạo, toàn bộ mục đích của bạn phải là truyền cảm hứng cho người khác để họ phát triển và cũng trở thành lãnh đạo. Dù họ là ai, họ đến từ đâu, nền tảng thế nào, bạn phải thổi bùng ngọn lửa bên trong họ, tạo niềm tin cho họ rằng họ có thể chủ động tiến lên những vị trí ngày càng cao hơn trong sự nghiệp. Để làm được điều đó, bạn phải dành thời gian cho họ, tư vấn và hướng dẫn họ, truyền động lực để họ đi xa hơn.
Đó chính là hình ảnh về một người lãnh đạo truyền cảm hứng đối với tôi. Và tôi vẫn đang thực hiện điều đó, cố gắng truyền cảm hứng cho người trẻ, thế hệ kế tiếp của ngành dịch vụ này.
Hạc