Stylist, chưa bao giờ là việc nhẹ lương cao

Mặc đẹp, luôn làm việc giữa những người nổi tiếng, được vây quanh bởi cả danh tiếng lẫn những món thời trang và phụ kiện hàng hiệu, sang trọng, stylist là một danh xưng đáng tự hào trong showbiz và là khao khát nghề nghiệp của rất nhiều bạn trẻ.

Nhưng đằng sau hào quang, niềm vui và tự hào, những stylist đã có chỗ đứng, đã thành danh, nói gì về nghề nghiệp của mình?

1. Stylist không phải là nghề cho những người “không cần học chỉ cần năng khiếu”

MRAT0216 copy

Khi những người ngoài nghề phát biểu rằng “làm stylist chỉ cần chút năng khiếu và gu thẩm mĩ ổn thôi chứ đâu cần học hành gì bài bản”, stylist Kye Nguyen – Nguyễn Tuấn Kiệt đã cười và “đính chính” ngay: “Nếu có năng khiếu, sở trường, sở thích thì đúng là không cần học bài bản cũng có thể làm được nhưng nếu không được đào tạo bài bản về thời trang, thiết kế, thì sẽ phải tự học rất nhiều. Kỹ năng, gout thẩm mỹ đều có thể được nâng cao sau quá trình làm việc, tự học, bao gồm cả việc học hỏi những người đi trước và học hỏi ở môi trường quốc tế. Vậy nên, không cần học hành bài bản, thì lại càng cần kỹ năng tự học nhiều hơn, và càng khó khăn hơn vì stylist là ngành nghệ thuật. Tự học, tự giác, không giáo trình và người hướng dẫn chưa bao giờ đơn giản trong biển thông tin và công nghệ ào ạt hiện tại”.

TNH 7939Cùng quan điểm trên, stylist Trần Đạt hiện điều hành công ty D2 STYLING cho biết: “Nếu nghĩ stylist thường là đã có năng khiếu trời phú kèm theo sự giàu có tự thân, có khả năng chưng diện nên dễ làm việc trong môi trường xa hoa của showbiz, thì chỉ đúng một phần rất nhỏ. Bản thân tôi là một ví dụ điển hình khi là kẻ ngoại đạo thời trang, tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình, từng là graphic designer (thiết kế đồ họa) nhưng lại bén duyên với nghề stylist, rồi gắn bó và coi nó là ngành tay phải trong suốt gần 8 năm nay. Ngành nào khi bắt đầu cũng có thể là do sở thích, năng khiếu, không có đào tạo bài bản nhưng để duy trì và phát triển bản thân với nó, có chỗ đứng và vị trí thì luôn cần tự nâng cao kiến thức mỗi ngày, đồng thời học hỏi tham khảo các tiền bối và đồng nghiệp”.

tran hoai trang

Trần Hoài Trang, một stylist đồng thời cũng là một fashion icon chia sẻ rằng cô luôn tâm niệm bản thân trước tiên phải đẹp thì mới có thể làm đẹp được cho người khác và một stylist luôn cần biết trong bối cảnh chụp thì góc nào, khi nào, có ánh sáng tốt nhất, màu sắc, phong cách make up nào hợp với trang phục chụp nhất. Stylist có thể không buộc phải biết cầm máy ảnh hay cầm cọ (nếu biết thì quá tốt) nhưng luôn cần có kiến thức để truyền tải đúng mong muốn cho ekip. Hiểu rõ về cấu trúc trang phục, về may đo cũng sẽ giúp bạn nhanh trí xử lý tình huống và sáng tạo được nhiều cách phối trang phục, phụ kiện.

Những stylist thật sự là những người luôn chăm chỉ tự học mà chẳng mang theo tập vở, không đến trường lớp đều đặn, và điểm số, chưa bao giờ là vấn đề mà họ quan tâm. Với họ, uy tín và cái tên được nhắc đến bằng một dòng nhỏ trong những bộ ảnh thời trang chính là kết quả những nỗ lực được ghi nhận và những người xem sau khi trầm trồ “đẹp quá”, sẽ tự đi tìm.

2. Bản lĩnh, nếu không có thì nên chọn nghề khác chứ đừng chọn stylist

Stylist là một nghề dễ, chỉ cần yêu thời trang, có năng khiếu mix & match là làm được! Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các yếu tố trên chỉ là trong những yếu tố nhỏ cần cho nghề này. Bạn cần được đào tạo chỉn chu không chỉ riêng kiến thức về thời trang, mà còn phải rất nhiều kiến thức và kỹ năng khác như nhiếp ảnh, photoshop, AI,… Nếu không có kiến thức về màu sắc, bố cục, các ứng dụng văn phòng như word, powerpoint, rất khó và chật vật để lên concept cho một buổi photoshoot cơ bản. Kể cả khi đã giỏi những lĩnh vực này, một stylist còn cần là người giao tiếp giỏi để kết nối tất cả các bộ phận trong ekip. Có thể nói stylist vừa là đạo diễn, vừa và nhà sản xuất trong buổi photoshoot cơ bản. Bản lĩnh ở đây thật rõ ràng và đơn giản: nếu không giỏi toàn diện, không nhiều kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực liên quan, thì tiếng nói của bạn trong ekip không đủ thuyết phục để mọi người “tâm phục khẩu phục” theo định hướng phong cách bạn đưa ra. Mà bản lĩnh của một người giỏi toàn diện chưa bao giờ dễ có.

DSJ 9714

Stylist Kye Nguyen – Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết thêm: Các chuyên môn hỗ trợ cho công việc stylist như nhiếp ảnh, make up, thiết kế thời trang, marketing, truyền thông cần được phối hợp chặt chẽ, vì vậy, nếu là một stylist chuyên nghiệp, muốn có vị trí và thu nhập tốt sẽ xem công việc của mình luôn là một business thực sự nghiêm túc, phải nắm chặt chẽ hết tất cả các khâu kể cả producer để thực hiện những project của mình. Nếu không đủ bản lĩnh, bạn sẽ từ bỏ hoặc chỉ dậm chân tại chỗ trong công việc.

DSJ 5271

Các stylist khi được hỏi đều trả lời vui nhưng rất nghiêm túc: “Nếu không có bản lĩnh của một Art Director, một leader thực sự của e kíp, thì nên chọn nghề khác, đừng chọn stylist vì nghề này cũng sẽ không chọn bạn đâu”!

3. Top những nghề áp lực cao

DSJ 0372

Stylist là một ngành mới phát triển trong nhiều năm gần đây tại Việt Nam, mặc dù còn non trẻ trong lĩnh vực thời trang nhưng stylist là những người cũng có những đóng góp trong sư phát triển chung của nền thời trang. Nếu thực sự nghĩ nghề stylist chỉ toàn niềm vui, nhẹ nhàng mặc đẹp mỗi ngày, ngày ngày tiếp xúc giới showbiz thì chắc chắn bạn chưa từng hiểu stylist.

DSJ 3672

Trần Đạt bắt đầu tham gia ngành stylist chuyên nghiệp từ 2012-2013, anh kể vui về những năm đầu tiên làm nghề nhiều lúc hoang mang, hoài nghi về bản thân khi xuất phát điểm không phải là một người có điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm thời trang cao cấp hay kiến thức thời trang trước đó.

DSJ 2706Trước khi trở thành người điều hành của một công ty với dịch vụ stylist chuyên nghiệp, Trần Đạt cho biết mình cũng đã từng tự cố gắng rất nhiều để vượt qua những định kiến và áp lực, rằng làm stylist trước phải là một fashionista, một người ăn mặc thời thượng và sang chảnh mỗi ngày: “Tôi chuyển hướng suy nghĩ của bản thân rằng làm stylist phải chính là người biết sử dụng thời trang một cách thông minh, dùng ý thức và gout thẩm mỹ của bản thân để ăn mặc hiệu quả, sau đó là tư vấn cho nhiều người. Câu nói của Oscar de la Renta Mặc đẹp không thực sự liên quan đến việc có quần áo đẹp. Đó là một câu hỏi về sự cân bằng và ý thức, luôn là kim chỉ nam của tôi”.

DSJ 1130

Nhiều stylist chuyên nghiệp và có uy tín đều khẳng định: showbiz là một môi trường đòi hỏi sự tinh tế, kĩ càng và luôn trong trạng thái sẵn sàng mọi lúc. Rất nhiều stylist đã kiệt sức thậm chí đột quỵ vì áp lực quá lớn.

DSJ 8326

“Những buổi chụp quay kéo dài nhiều ngày, bắt đầu công việc từ 2-3h sáng hoặc tham gia các dự án điện ảnh kéo dài hàng tháng, số lượng trang phục lên đến vài trăm cho hơn trăm diễn viên cùng lúc, nhưng “phục trang không đúng, trang phục chưa đẹp”, những “gạch đá” khi phim được công chiếu khiến nhiều stylist thấy suy sụp và thất vọng. Dĩ nhiên khi đã làm nghề nhiều năm hơn thì áp lực đã đi kèm niềm vui khi mỗi sản phẩm làm ra được đông đảo mọi người hưởng ứng, với mỗi project mới lại là những áp lực mới. Quen rồi nên thấy chịu những áp lực ấy là chuyện bình thường, còn áp lực cao hơn nữa là làm sao nâng cao nhận diện ngành stylist ở Việt Nam cũng như đem đến những dịch vụ chuyên nghiệp nhất cho các khách hàng ở khắp mọi nơi, luôn tự nhắc mình phải dùng những kiến thức có được áp dụng vào thời trang nhưng một cách nhìn sáng tạo mới, từ đó khai phá những giới hạn khác nhau của bản thân với nghề. Không áp lực thì làm sao tiến bộ”, Trần Đạt khẳng định.

DSJ 5890Ở một góc nhìn khác và những xuất phát điểm khác, từng là cử nhân quan hệ công chúng và truyền thông, Trần Hoài Trang cảm thấy khá may mắn khi “nghề stylist chọn mình”vì kiến thức trong ngành giúp ích cho Trang rất nhiều khi phân tích thị hiểu, xu hướng cho khách hàng, để tạo ra những concept quảng cáo có tính viral tốt, nhưng cô cũng đặt stylist vào top những nghề áp lực nhất. “Hiếm có nghề nào chịu áp lực từ rất nhiều phía: áp lực thời gian, áp lực đổi mới liên tục, áp lực từ khách hàng, từ celebs, từ e kíp và từ chính bản thân mình luôn đòi hỏi phải làm tốt hơn nữa. Là một nghề sáng tạo toàn diện, nếu làm vì đam mê thì sẽ luôn tìm được niềm vui. Ngoài những áp lực và vất vả, sự đến bù và tưởng thưởng là được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, gặp gỡ những người nổi tiếng, được check-in những nơi sang trọng và đẹp đẽ, có thể nói là thời thượng, và tương lai của nghề còn tiến xa không chỉ dừng lại ở một vài năm tới vì muốn có hình ảnh đẹp là nhu cầu rất thật và cần. Không chỉ personal stylist là nghề sẽ còn phát triển mà comercial stylist lại càng không thể thiếu vì stylist là mắt xích quan trọng trong ekip để cho ra được sản phẩm quảng cáo hoàn chỉnh. stylist là nền tảng đầu tiên và chắc chắn để bạn hoàn toàn có thể phát triển trở thành Art Director trong tương lai. Nên có chịu áp lực, cũng hoàn toàn xứng đáng”, Trang nhấn mạnh.

Và chúng ta, dù đã làm việc nhiều năm cùng các stylist, chợt thấm thía hơn sau khi thực hiện bài viết này cho ILLUME, rằng stylist, dù luôn có nhiều hào quang rực rỡ, thì cũng chưa bao giờ là một việc nhẹ, lương cao cả.

Võ Hà, Mạc Hà

XU HƯỚNG

TẠP CHÍ